Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv, ngày 18/10. Ảnh: AP |
CNN đưa tin, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh xuống sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, giữa lúc cuộc chiến của Israel và lực lượng Hamas đang diễn ra căng thẳng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Israel Isaac Herzog đã ra tận chân cầu thang máy bay để đón Tổng thống Biden. Vừa bước xuống máy bay, ông Biden đã ôm chầm lấy hai nhà lãnh đạo Israel.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ôm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trên đường băng sân bay Ben Gurion, Tel Aviv, ngày 18/10. Ảnh: AP |
Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Joe Biden chia sẻ rằng: "Tôi vô cùng đau buồn và phẫn nộ trước vụ nổ tại bệnh viện ở Gaza ngày hôm qua. Dựa trên những gì tôi đã thấy, có vẻ như vụ việc đó được thực hiện bởi nhóm khác chứ không phải các bạn".
Tổng thống Biden khẳng định: "Tôi muốn có mặt ở đây hôm nay vì lý do đơn giản là tôi muốn người dân Israel, người dân trên thế giới biết lập trường của Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các bạn và các đối tác trong khu vực để ngăn chặn thêm thảm kịch đối với thường dân vô tội".
Người đứng đầu Nhà Trắng đã lên án cuộc tấn công ngày 7/10 của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel, nói rằng nhóm này đã "phạm tội ác chiến tranh và có những hành động tàn bạo". Tuy nhiên, ông Biden cũng thừa nhận rằng mặc dù Israel có quyền tự vệ nhưng "chúng ta cũng phải nhớ rằng Hamas không đại diện cho tất cả người dân Palestine".
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu cảm ơn ông Biden về chuyến thăm Israel - "chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Israel vào thời điểm chiến tranh".
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Israel, ngày 18/10. Ảnh: AP |
"Điều này vô cùng cảm động, thể hiện sự sâu sắc trong cam kết cá nhân của ông đối với Israel, đối với tương lai của dân tộc Do Thái và nhà nước Do Thái duy nhất. Vì vậy, tôi biết mình đại diện cho tất cả người dân Israel khi nói lời cảm ơn, thưa ngài Tổng thống", ông nói.
Chuyến thăm Israel của Tổng thống Biden nhằm thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ của Washington với đồng minh Tel Aviv, trong bối cảnh các cuộc giao tranh ngày càng leo thang tại Dải Gaza.
Một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Israel, cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành cáo buộc quân đội Israel đã không kích vào bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza, khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Đây là số người chết cao nhất trong một ngày tại Dải Gaza kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra.
Người dân Palestine đứng tại khu vực hiện trường vụ nổ bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza, ngày 18/10. Ảnh: Reuters |
Hamas gọi vụ nổ bệnh viện là "vụ thảm sát kinh hoàng" do cuộc tấn công của Israel gây ra. Lực lượng này cho biết vụ nổ chủ yếu khiến những dân thường đang đi sơ tán thiệt mạng. Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Palestine cáo buộc Israel thực hiện "vụ thảm sát" tại bệnh viện Al-Ahli.
Trong khi đó, Israel phủ nhận cáo buộc rằng quân đội nước này đã đánh trúng bệnh viện Al-Ahli. Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho rằng bệnh viện tại Gaza bị nổ là do "vụ phóng tên lửa thất bại" của lực lượng vũ trang Hồi giáo thánh chiến (Islamic Jihad) - đồng minh của Hamas. IDF khẳng định "không nhắm mục tiêu vào các bệnh viện" mà "nhắm vào các thành trì, kho vũ khí và nhóm khủng bố Hamas". Tuy nhiên, Islamic Jihad cũng phủ nhận trách nhiệm.
Vụ nổ bệnh viện khiến kế hoạch chuyến công du Trung Đông của ông Biden bị xáo trộn. Theo lịch trình dự kiến, Tổng thống Mỹ sẽ gặp Quốc vương Abdullah II của Jordan, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập và Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Tuy nhiên, Jordan đã thông báo hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh này.
Những chiếc ô tô bị hư hỏng trong khu vực bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza, ngày 18/10. Ảnh: Reuters |
Nhà Trắng cho biết, trong chuyến thăm này, ông Biden muốn đặt ra “những câu hỏi hóc búa” đối với Israel về chiến lược của nước này tại Dải Gaza; cũng như giải quyết tình hình cứu trợ nhân đạo cho hơn 2 triệu người Palestine bị mắc kẹt và chịu cảnh bắn phá liên tục ở Gaza mà hầu như không được tiếp cận với nước, thực phẩm hay vật tư y tế.
Trong tuyên bố ngày 18/10 của Bộ Y tế Palestine, số người thiệt mạng ở Dải Gaza đã tăng lên 3.478 người và có hơn 12.000 người khác đã bị thương.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng tình hình ở Gaza đang ngày càng "mất kiểm soát". Ông kêu gọi "chấm dứt bạo lực ở tất cả các bên" và ngay lập tức "bắt đầu cung cấp vật tư cứu sinh" cho Gaza.
Theo CNN, việc nhà máy điện duy nhất của Gaza hết nhiên liệu vào tuần trước đã khiến các nhà máy khử mặn nước biển trong khu vực ngừng hoạt động. Điều này đã ảnh hưởng tới nguồn cung nước uống của hàng trăm nghìn dân thường. Trong khi đó, các bệnh viện trong khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị y tế.