Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik |
Tuyên bố trên của Tổng thống Nga Putin được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Russia 1 ngày 17/12. Ông khẳng định rằng Nga và Phần Lan vốn không có mâu thuẫn trong nhiều thập kỷ, nhưng điều này bây giờ đã thay đổi.
"Họ (phương Tây) đã lôi kéo Phần Lan vào NATO. Chúng ta có tranh chấp gì với Phần Lan không? Tất cả các tranh chấp, bao gồm cả những tranh chấp lãnh thổ vào giữa thế kỷ 20, đều đã được giải quyết từ lâu", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng, trước khi Phần Lan quyết định gia nhập NATO, hai nước có mối quan hệ "khá thân mật". Ông lưu ý rằng "rắc rối nhỏ duy nhất" giữa Moscow và Helsinki là tranh chấp kinh doanh xoay quanh ngành chế biến gỗ.
"Trước kia từng không rắc rối gì, nhưng bây giờ sẽ có. Bởi vì chúng tôi sẽ thành lập Quân khu Leningrad và sẽ tập trung các đơn vị quân đội ở đó", Tổng thống Putin tuyên bố. Lực lượng mới sẽ đóng quân ở vùng Leningrad, khu vực tây bắc Nga - nơi tọa lạc của thành phố St. Petersburg.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Nga Putin cũng bác bỏ những bình luận hồi đầu tháng này của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Moscow sẽ chưa dừng lại ở Ukraine, mà có thể tấn công một đồng minh NATO và lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng, Moscow "không có lý do, không có lợi ích, không có lợi ích địa chính trị, kinh tế, chính trị hay quân sự để chiến đấu với các nước NATO". Ông đồng thời nói thêm rằng Moscow không có bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào đối với các nước NATO.
"Chúng tôi không mong muốn phá hỏng mối quan hệ với họ (các nước NATO). Chúng tôi luôn quan tâm đến việc phát triển quan hệ", ông Putin nêu rõ.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Phần Lan đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nước này cũng đã từ bỏ nguyên tắc không liên kết quân sự vốn được duy trì trong hàng thập kỷ và cùng Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022.
Tháng 4/2023, Phần Lan đã thành công gia nhập NATO và lập kỷ lục về thời gian khi chỉ mất hơn 10 tháng để được trở thành thành viên thứ 31 của khối quân sự này. Tuy nhiên, nỗ lực xin gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn đang gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Phần Lan cũng bắt đầu xây dựng hàng rào trên tuyến biên giới dài 1.340 km với Nga, dọa đóng cửa hoàn toàn biên giới với nước này nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp.
Tuần trước, Helsinki công bố kế hoạch ký kết Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) với Washington, cho phép Mỹ đóng quân và dự trữ vũ khí, đạn dược ở Phần Lan. Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết nước này quân đội Mỹ được tiếp cận và sử dụng 15 căn cứ ở nước này.
Điện Kremlin từng tuyên bố rằng tư cách thành viên NATO của Phần Lan là một "hành động tấn công vào an ninh và lợi ích quốc gia của Nga". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "tình hình đang nghiêm trọng hơn" và "buộc Moscow phải thực hiện các biện pháp đối phó về mặt chiến thuật và chiến lược". Nga cũng nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả việc NATO mở rộng hiện diện về phía đông, coi động thái của khối quân sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.