Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Theo Reuters, sắc lệnh được công bố trên cổng thông tin của chính phủ Nga, quy định về việc trợ cấp hàng tháng và một lần cho những người di tản đến Nga từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng ở Donbass, cũng như các khu vực khác trên lãnh thổ Ukraine.
Một số nhóm người Ukraine nhất định, bao gồm người tàn tật và người trên 80 tuổi, sẽ được hưởng trợ cấp 10.000 Ruble (166 USD)/tháng. Phụ nữ mang thai sẽ được hưởng trợ cấp một lần với số tiền tương tự.
Theo TASS, sắc lệnh có hiệu lực từ ngày ký, nhưng các khoản trợ cấp sẽ được tính từ ngày 1/7. Những người tị nạn đến Nga từ hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbas và Ukraine kể từ ngày 18/2 sẽ được hưởng quyền lợi này. Các khoản trợ cấp sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/12.
Người dân Ukraine mang theo hành lý sơ tán khỏi các vùng chiến sự. Ảnh: AFP |
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ra sắc lệnh cho phép cư dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng, cũng như công dân Ukraine ở lại Nga vô thời hạn. "Công dân của DPR, LPR và Ukraine được quyền tạm trú vô thời hạn ở Nga", trích sắc lệnh.
Để được tạm trú, những người dân này phải trải qua thủ tục nhận dạng dấu vân tay, chụp ảnh và kiểm tra y tế bắt buộc nhằm xác minh không sử dụng ma túy hoặc chất kích thích thần kinh, không mắc các bệnh truyền nhiễm và HIV.
Sắc lệnh cho biết, quyết định được Nga đưa ra "nhằm bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân, dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật nhân đạo quốc tế" phù hợp với Hiến pháp Nga và luật liên bang "về địa vị pháp lý của người nước ngoài ở Nga". Sắc lệnh cũng cho phép công dân Ukraine làm việc tại Nga mà không cần xin giấy phép lao động trước.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, Nga đã tuyên bố cấp hộ chiếu cho người dân Ukraine sơ tán sang nước này hoặc sống ở các khu vực do quân đội Nga kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine. Hồi tháng 7, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp quốc tịch Nga cho toàn bộ người dân sống tại các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia - những khu vực Moscow đang kiểm soát.
Một văn phòng Dịch vụ Di trú cung cấp hộ chiếu Nga cho cư dân Ukraine ở tỉnh Donetsk, Ukraine, tháng 6/2022. Ảnh: AP |
Theo sắc lệnh trên, người dân Ukraine có nguyện vọng xin cấp hộ chiếu sẽ không bắt buộc phải sống ở Nga trong 5 năm, cũng như không cần chứng minh tài chính hay vượt qua bài kiểm tra ngôn ngữ Nga. Điện Kremlin cho biết họ đưa ra quy định này vì "mục đích nhân đạo".
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Hạ viện Nga, hồi tháng 6 cho biết 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia có thể tổ chức trưng cầu dân ý để tự quyết định việc có nên sáp nhập vào Nga hay không.
Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên tiếng phản đối động thái cấp hộ chiếu của Nga, cho rằng đây là "một sự xâm phạm khác đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không phù hợp với các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế". Kiev cũng cảnh báo các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga sẽ không có cơ sở pháp lý và đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.