Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 2/6. Ảnh: Reuters |
Nikkei Asia đưa tin, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Tôi thực sự muốn nhà lãnh đạo Singapore hỗ trợ Ukraine bằng việc tham gia trực tiếp vào hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Điều tương tự cũng xảy ra với các quốc gia khác trong khu vực. Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng các bạn sẽ ủng hộ hội nghị thượng đỉnh này và rằng các bạn sẽ có mặt ở Thụy Sĩ”.
Theo Straits Times, Tổng thống Zelensky cho rằng việc thế giới hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột cho thấy cộng đồng quốc tế đề cao trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tôn trọng mạng sống của con người.
“Chúng tôi tin rằng thế giới của chúng ta muốn đoàn kết và có thể hành động trong sự hài hoà. Ngoại giao sẽ có hiệu quả khi nó thực sự hướng đến mục đích bảo vệ mạng sống của con người,” ông nói.
Nhà lãnh Ukraine nhấn mạnh rằng, hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới tại Thụy Sĩ sẽ không phải là hỗ trợ vũ khí cho Kiev, mà là sự ủng hộ để kết thúc cuộc chiến đang diễn ra.
Tổng thống Zelensky tiết lộ tại Đối thoại rằng, Ukraine cho đến nay đã nhận được xác nhận từ 106 quốc gia về việc sẽ cử đại diện tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Tuy nhiên, ông cũng “thất vọng” vì một số nhà lãnh đạo vẫn chưa xác nhận tham gia.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tại Đối thoại Shangri-La, ngày 2/6. Ảnh: Straits Times |
Ông Zelensky nhấn mạnh rằng sự tham gia các quốc gia Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh sẽ có ý nghĩa “rất quan trọng”. Tổng thống Ukraine đến Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào thời điểm Nga đang triển khai các cuộc tấn công lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào hạ tầng trọng yếu của Ukraine. Một quan chức Kiev nói với Nikkei Asia rằng ông Zelensky chọn đến thăm Singapore vì ông coi Shangri-La là diễn đàn để kêu gọi các nước châu Á ủng hộ hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine sẽ được Thụy Sĩ tổ chức từ ngày 15-16/6, dự kiến xoay quanh lộ trình “công thức hòa bình 10 điểm” do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Hơn 160 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước G7, G20, EU và BRICS đã được mời tham gia. Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Canada Justin Trudeau là hai trong số các nhà lãnh đạo thế giới xác nhận sẽ tham gia. Tuy nhiên, Nga không được mời tham gia hội nghị này.
Tổng thống Ukraine Zelensky hồi tháng 1/2024 đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị tại Thụy Sĩ. Tuần này, ông tiếp tục kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự.
Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn chưa xác nhận liệu ông Biden có tham dự sự kiện này hay không. Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ không tham dự hội nghị này vì nó trùng với thời điểm gây quỹ tranh cử ở bang California. Trong số các quốc gia khác, lãnh đạo của một số thành viên BRICS – bao gồm Brazil và Nam Phi – được cho là sẽ bỏ qua sự kiện này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/5 cho biết nước này "khó tham dự" hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ, nhấn mạnh rằng sự kiện này chưa đáp ứng các điều kiện mà Bắc Kinh đã nêu ra.
"Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng hội nghị hòa bình quốc tế cần có sự công nhận của Nga và Ukraine, sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về mọi kế hoạch hòa bình. Nếu không, hội nghị khó có thể đóng vai trò thực chất trong việc khôi phục hòa bình," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần tuyên bố không bao giờ tham gia hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về cuộc xung đột tại Ukraine. “Nga không có ý định tham gia một hội nghị như vậy, ngay cả khi được mời chính thức," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/5 cho biết. Bà cho rằng Thụy Sĩ đã “mất” vị thế trung lập và không thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình.