Dù chưa có sự bứt phá rõ ràng về điểm số, thị trường vẫn ghi nhận những điểm tích cực, với khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng gần 5% so với tuần trước.
Bên cạnh đó, sau khi bán ròng 4.238 tỷ đồng trong tuần trước, tốc độ bán ròng của khối ngoại tuần này đã suy giảm dần trong tuần này về còn 1.844 tỷ đồng. Phiên 14/2, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí còn mua ròng hơn 9 triệu đơn vị, dù về giá trị họ vẫn bán ròng 179 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn khá cân bằng, chỉ số không biến động quá nhiều, vẫn có những cổ phiếu với mức độ tăng giảm đáng chú ý.
![]() |
Cổ phiếu khoáng sản tiếp tục bay cao trong tuần vừa qua. Ảnh minh họa: Hà Anh |
Trên sàn HOSE, nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào những mã cổ phiếu vừa và nhỏ, với sự chú ý đến từ cổ phiếu khoáng sản. Dẫn đầu đà tăng trong tuần là cổ phiếu FCM của CTCP Khoáng sản FECON với 16,71%. Phiên 14/2, FCM tăng kịch biên độ, đồng thời ghi nhận phiên tăng trần thứ 5/7 phiên gần nhất.
Tương tự là cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định. Cổ phiếu này chốt tuần giao dịch bằng 2 phiên tăng trần liên tiếp, tăng 12,98% trong tuần vừa qua lên 29.150 đồng/CP.
Trong số những mã tăng mạnh tuần qua, đáng chú ý là CTD của CTCP Xây dựng Coteccons. Chốt phiên 14/2, CTD tăng 2,33%. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp, đồng thời là phiên tăng thứ 7/9 phiên gần nhất, đẩy thị giá từ 71.800 đồng/CP lên 92.100 đồng/CP – mức cao nhất kể từ dịch Covid-19, tương ứng mức tăng 28,3%.
|
Ở chiều ngược lại, phần lớn các mã giảm điểm mạnh đều là cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, như SMA của CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (-13,33%), NO1 của CTCP Tập đoàn 911 (-8,62%), TIX của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (-12,86%), HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons (-11,12%).
Trong số những cổ phiếu giảm mạnh tuần qua, NLG của CTCP Đầu tư Nam Long là một trong những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất ngành bất động sản. Chốt phiên 15/2, NLG giảm 0,46% về còn 32.200 đồng/CP, tương đương vốn hóa 12.397 tỷ đồng. Đây là phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của NLG.
Vào ngày 12/2/2025, NLG công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Công ty đề xuất chào bán 100,11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 26% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán.
Với giá chào bán 25.000 đồng/CP, Nam Long dự kiến thu về 2.503 tỷ đồng từ đợt phát hành này, đồng thời nâng vốn điều lệ của công ty từ 3.850 tỷ đồng lên 4.850 tỷ đồng.
Sàn HNX: Ngôi vương cổ phiếu “đắt đỏ” nhất thị trường đổi chủ 2 lần
Tương tự HOSE, cổ phiếu khoáng sản cũng có tuần bay cao trên sàn HNX. Trong đó, BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn tăng trần liền 5 phiên, tăng tổng cộng 60% trong tuần vừa qua. Tính từ ngày 21/1 đến nay, BKC tăng kịch biên độ 14 phiên liên tiếp, đẩy thị giá từ dưới ngưỡng 15.000 đồng/CP lên 52.900 đồng/CP, tương đương mức tăng 267%.
Bên cạnh BKC, hàng loạt cổ phiếu khoáng sản bay cao trong tuần vừa qua là MDC của CTCP Than Mông Dương – Vinacomin (37,04%), KSV của Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (27,04%) hay HGM của CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (22,7%).
|
Trong số những cái tên kể trên, HGM tăng điểm 11 phiên liên tiếp, từ 23/1 – 13/2/2025, trong đó có 6 phiên tăng trần. Phiên 13/2, HGM tăng kịch biên độ lên 381.100 đồng/CP, vượt qua WCS của CTCP Bến xe Miền Tây (378.000 đồng/CP) và cổ phiếu VNZ của CTCP VNG (358.300 đồng/CP), trở thành cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán.
Đà tăng của HGM đứng lại trong phiên 14/2, cổ phiếu này giảm 5,96% về còn 358.400 đồng/CP. WCS với biên độ giảm 3,39% về còn 365.200 đồng/CP, lấy lại “ngôi vương” từ tay HGM chỉ sau một ngày mất vị trí này.
Trên sàn UPCOM, cổ phiếu TNV của CTCP Thống Nhất tăng trần trong suốt tuần qua, ghi nhận mức tăng 100%. TNV hiện đang có chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp, đẩy thị giá từ 12.400 đồng/CP lên 28.400 đồng/CP, tương đương mức tăng 129%. Dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu này ở mức rất thấp với chỉ vài trăm cho đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên.
|
Tất cả các mã tăng mạnh trong tuần vừa qua của sàn UPCOM đều là cổ phiếu vốn hóa nhỏ, ngoại trừ MSR của CTCP Masan High-Tech Materials.
Chốt phiên 14/2, MSR tăng kịch biên độ 14,53% lên 19.700 đồng/CP với thanh khoản đạt gần 4,8 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương vốn hóa 21.653 tỷ đồng. Trong 12 phiên gần nhất, MSR tăng tới 10 phiên, đẩy thị giá cổ phiếu từ 10.400 đồng/CP lên tiệm cận ngưỡng 20.000 đồng/CP như hiện tại.
CTCP Masan High-Tech Materials là thành viên thuộc Tập đoàn Masan của doanh nhân Nguyễn Đăng Quang. Công ty đang quản lý và vận hành mỏ Núi Pháo có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, ngoài Trung Quốc. Ngoài các sản phẩm tinh quặng vonfram, MSR còn sản xuất và kinh doanh tinh quặng đồng, tinh quặng florit và tinh quặng bismuth...