Top địa phương thu ngân sách lớn nhất 6 tháng đầu năm

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
07:50 - 26/07/2023
Top địa phương thu ngân sách lớn nhất 6 tháng đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Danh sách địa phương thu ngân sách lớn nhất cả nước gần như không xáo trộn, tuy nhiên hầu hết đều ghi nhận số thu nửa đầu năm giảm. Đáng chú ý, lần đầu tiên Hà Nội ghi nhận số thu tương đương TP HCM, tăng cao nhất trong 12 năm.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội cả nước quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6 ước đạt 93.500 tỷ đồng, bằng 5,8% dự toán, bằng 72,5% so cùng kỳ năm 2022. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Hà Nội và TP HCM tiếp tục dẫn đầu trong danh sách thu ngân sách cao nhất cả nước. Các tỉnh nhỏ như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh cũng vươn lên Top địa phương đạt thu ngân sách chục nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, theo thống kê thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 của một số tỉnh, thành như sau: TP HCM đạt 227.872 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ do một số nguồn thu chủ lực đều giảm mạnh; TP Hà Nội thu ước đạt trên 224.000 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022; TP Hải Phòng ước đạt 48.582,79 tỷ đồng, bằng 46,41% dự toán Trung ương giao và 41,72% dự toán HĐND thành phố giao.

Bà Rịa - Vũng Tàu ước khoảng 44.123 tỷ đồng, đạt 49,8% dự toán, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022; Bình Dương ước đạt 31.550 tỷ đồng; Quảng Ninh khoảng 28.000 tỷ đồng; Hưng Yên thu ngân sách ước đạt 16.200 tỷ đồng, đạt 70,68% kế hoạch; Vĩnh Phúc đạt gần 16.000 tỷ đồng; Bắc Ninh ước đạt 14.845 tỷ đồng, bằng 46,9% dự toán năm, bằng 91,4% so với cùng kỳ năm 2022...

Theo Cục Thống kê TP HCM, một số nguồn thu quan trọng của thành phố như thu nội địa, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nội địa đạt 150.688 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm trước. Trong đó, thu từ doanh nghiệp Nhà nước là 14.738 tỷ đồng (giảm 4,6%); thu từ khu vực ngoài nhà nước 46.977 tỷ đồng (tăng 5,5%); thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 35.617 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ nửa đầu năm trước.

Thu dầu thô 6 tháng đầu năm 2023 cũng chỉ đạt 12.938 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Còn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 64.242 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ.

Cục Thống kê TP HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi hoạt động kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu giảm là nguyên nhân khiến thu ngân sách giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Năm 2023, TP HCM được giao chỉ tiêu thu ngân sách 469.681 tỷ đồng, đây là một thách thức rất lớn cho đầu tàu kinh tế của cả nước trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Ngay từ đầu năm, TP HCM đã dự báo được tình hình khó khăn và kết quả thu ngân sách giảm trong 6 tháng đầu năm là kết quả không bất ngờ.

Tuy vậy, qua dự báo của Cục Thống kê TP HCM, tình hình thu ngân sách quý 3/2023 có thể sẽ tốt hơn khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn. Qua khảo sát, Cục Thống kê TP HCM dự báo, tình hình quý 3/2023 so với quý 2/2023, có 26,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 35,1% giữ ổn định và 38,5% khó khăn hơn.

Theo Cục thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện trên 224.000 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức tăng cao nhất của thành phố trong giai đoạn 2012-2023.

Trong cơ cấu thu ngân sách nửa đầu năm của Hà Nội, chỉ có thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, đạt 11.300 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ; còn lại thu nội địa và thu từ dầu thô đều tăng khá so với 6 tháng 2022.

Cụ thể, thu nội địa 207.200 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và tăng 25,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô 1.700 tỷ đồng, đạt 79,9% dự toán và tăng 34,4%.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa là ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 41.600 tỷ đồng, đạt 70,6% dự toán năm và tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 13.700 tỷ đồng, đạt 58% và tăng 22,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 43.000 tỷ đồng, đạt 57,9% và tăng 7%.

Thuế thu nhập cá nhân 21.300 tỷ đồng, đạt 55,4% và giảm 0,6%; thu tiền sử dụng đất 3.600 tỷ đồng, đạt 21,2% và giảm 47,7%; thu lệ phí trước bạ 3.200 tỷ đồng, đạt 38,6% và giảm 20,6%; thu phí và lệ phí 8.700 tỷ đồng, đạt 49,6% và giảm 1,5%.

Với Hải Phòng, Cục Thống kê cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 46.490,8 tỷ đồng, đạt 39,93% dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 84,83% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nội địa đạt 16.666,2 tỷ đồng, bằng 81,63% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 28.475,6 tỷ đồng, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 44.123 tỷ đồng, đạt 49,8% dự toán, giảm 20,9% so cùng kỳ; trong đó, thu từ dầu khí ước khoảng 16.450 tỷ đồng, đạt 68,8% dự toán, giảm 21,3% so cùng kỳ; thu thuế xuất, nhập khẩu ước khoảng 8.542,5 tỷ đồng, đạt 39,4% dự toán, giảm 23,3% so cùng kỳ; thu ngân sách nội địa ước khoảng 19.130 tỷ đồng, đạt 44,5% dự toán, giảm 19,5% so cùng kỳ…

Nguyên nhân tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt thấp hơn chủ yếu do thu từ xuất nhập khẩu của một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ, thu nội địa giảm, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt thấp do một số doanh nghiệp có mức nộp ngân sách trong 6 tháng thấp hơn cùng kỳ.

Bình Dương đứng thứ 5 trong Top các địa phương có tổng thu ngân sách lớn nhất cả nước. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 31.550 tỷ đồng, đạt 48% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 42% dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 91% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa 23.850 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 50% dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 100% so với cùng kỳ; thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu 7.700 tỷ đồng, đạt 38% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 71% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 7.330 tỷ đồng, đạt 24% dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 5% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong Top địa phương có thu ngân sách Nhà nước cao trong cả nước, hầu hết đều ghi nhận số thu ngân sách nửa đầu năm giảm nhiều chẳng hạn như TP HCM, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Trong đó, thu ngân sách của Hưng Yên giảm sâu nhất là 42,2%, dù vậy vẫn đạt 66,4% dự toán giao. Trong tổng thu ngân sách 15.223 tỷ đồng 6 tháng đầu năm của Hưng Yên, thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm. Cụ thể, thu nội địa đạt 13.557 tỷ đồng, giảm 43,5% so với cùng kỳ, đạt 74,4% dự toán giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.666 tỷ đồng, giảm 28,8% so với cùng kỳ, đạt 35,5% dự toán.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.