Trích lập dự phòng tăng đột biến, Viettel Global báo lỗ hơn 2.700 tỷ đồng quý 4/2022

VGI Viettel Global
12:14 - 05/02/2023
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VGI là khoản phải thu ngắn hạn với tổng giá trị 14.624,8 tỷ đồng, bao gồm 9.396,58 tỷ đồng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VGI là khoản phải thu ngắn hạn với tổng giá trị 14.624,8 tỷ đồng, bao gồm 9.396,58 tỷ đồng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - UpCOM: VGI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, qua đó ghi nhận khoản lỗ sau thuế 2.722 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý 4, Viettel Global ghi nhận 6.123,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng thêm 355 tỷ đồng lên 3.459,2 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp đạt 2.664,6 tỷ đồng, tăng tới 134%.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4 của VGI tăng mạnh, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Nguồn: BCTC Quý 4/2022 của VGI

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4 của VGI tăng mạnh, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi. Nguồn: BCTC Quý 4/2022 của VGI

Dù kinh doanh cải thiện đáng kể, các chi phí lại tăng mạnh, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới gần 4 lần lên mức 3.853 tỷ, do khoản trích lập dự phòng tăng gần chục lần so với cùng kỳ lên 3.041 tỷ đồng. Kết quả, Viettel Global báo lỗ 2.722 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 141,5 tỷ đồng của cùng kỳ 2021, và là một trong những doanh nghiệp thua lỗ lớn nhất trên thị trường chứng khoán trong quý vừa qua.

Giải thích cho việc chênh lệch lợi nhuận, trong văn bản giải trình, Viettel Global cho biết mặc dù kết quả kinh doanh lỗ do VGI thận trọng trích lập dự phòng đầu tư và phải thu đối với Công ty Viettel Myanmar. Nếu loại trừ khoản dự phòng này thì kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, cụ thể lợi nhuận sau thuế hợp nhất của quý 4/2022 sẽ tăng 87 tỷ đồng, lũy kế cả năm tăng 2.915 tỷ đồng.

Theo VGI, trong quý 4/2022, nhiều công ty thị trường, bao gồm cả công ty liên kết, có sự tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh (doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ) là Lumitel tại Burundi (+36%), Natcom tại Haiti (+29%), Telemor tại Đông Timor (+22%), Unitel tại Lào (+17%), Movitel tại Mozambique (+13%).

Luỹ kế 12 tháng, Viettel Global ghi nhận 23.738,15 tỷ đồng doanh thu thuần trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.549,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,2% và 347% so với thực hiện năm 2021. Dù lãi lớn trong năm 2022 song tính tới hết năm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này vẫn âm 3.904 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế từ dương đến tương đương năm 2021. Với 3.021 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ 2021, Viettel Global vượt sâu kế hoạch lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ hồi 6/2022.

Gần 9.400 tỷ đồng trích lập dự phòng

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của Viettel Global giảm gần 13% so với đầu năm xuống còn 21.085,2 tỷ đồng. Chiếm phần lớn cơ cấu nợ vay vẫn là phải trả người bán ngắn hạn với 3.943,4 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác 3.341,6 tỷ đồng; doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 2.139,6 tỷ đồng; 2.199,3 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn.

Đáng chú ý, tổng nợ vay tài chính của công ty giảm mạnh từ 12.237,7 tỷ đồng xuống còn 5957,8 tỷ đồng, bao gồm 3.642,6 tỷ đồng vay ngắn hạn và 2.315,2 tỷ đồng vay dài hạn.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại cuối năm 2022 giảm 4,9% xuống 50.259,1 tỷ đồng. Bao gồm 7.819,34 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 9.072 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn; 9.851,8 tỷ đồng tài sản cố định…

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VGI là khoản phải thu ngắn hạn với tổng giá trị 14.624,8 tỷ đồng, bao gồm 9.396,58 tỷ đồng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, cao hơn nhiều con số 5.365 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.

Các khoản phải thu chủ yếu đến từ Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L và Công ty TNHH Telecom International Myanmar. Trong đó, Telecom International Myanmar đang là công ty liên kết của VGI với tỷ lệ lợi ích và biểu quyết là 49%, chuyên đầu tư mạng viễn thông ở thị trường Myanmar.

Giải thích về nguyên nhân tăng trích lập dự phòng, Viettel Global cho biết vào ngày 21/10/2022, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) thông báo chính thức đưa Myanmar vào diện tăng cường kiểm soát vì không ngăn chặn được các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đứng trước tình huống này, ban điều hành của Viettel Global đã thận trọng đánh giá tình hình, kết hợp với thực tế hoạt động của công ty liên kết tại Myanmar để đưa ra quyết định trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư và dự phòng nợ phải thu quá hạn thanh toán với công ty liên kết này.

Theo VGI, việc trích lập dự phòng là nhằm đảm bảo có nguồn tài chính dự phòng khi tổn thất thực sự xảy ra, chi phí này không phát sinh bằng tiền và không ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty. Trên thực tế, trong năm 2022, dòng tiền từ Myanmar trả về Viettel Global đạt 1.328 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm trước đó.

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.