Triển khai giai đoạn 2 Đề án thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối quốc tế

XUẤT KHẨU Giao thương
10:36 - 22/02/2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
Sáng ngày 22/2, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”.

Mục tiêu chính của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch bệnh Covid-19, xung đột thương mại, khủng hoảng năng lượng, lạm phát vẫn đang tác động lớn tới các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu, nguồn cung hàng hóa trên thế giới.

Trước bối cảnh đó, việc giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, đặc biệt đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nông sản, thực phẩm..., trở thành nhu cầu cấp thiết của các tập đoàn phân phối cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ảnh tác giả

"Tôi kỳ vọng các tập đoàn phân phối, đầu mối thu mua nước ngoài sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh và vai trò Đối tác chiến lược của Chương trình để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Nhằm triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới, theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có mặt tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

Về hoạt động triển khai cụ thể thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cho biết, trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục các hoạt động thường niên giai đoạn 1 như đưa các tập đoàn phân phối về các địa phương, tổ chức hội nghị giao thương...

Năm nay, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài với 3 thị trường chính là Pháp, Nhật Bản và Thái Lan.

Mặt khác, năm nay là năm đầu tiên triển khai giai đoạn 2 của Đề án nên bên cạnh các hoạt động thường niên, Bộ sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Viet Nam International Sourcing 2023” nhằm kết nối hệ thống phân phối nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra từ ngày 13-15/9/2023.

4 hoạt động chính sẽ được diễn ra tại chuỗi sự kiện bao gồm hội nghị kết nối chuỗi cung ứng quốc tế năm 2023; các hội thảo trao đổi về xu hướng tiêu dùng quốc tế, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp Việt nam thâm nhập hệ thống phân phối nước ngoài; khu triển lãm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế; hoạt động khảo sát thực địa của các đoàn doanh nghiệp nước ngoài về địa phương.

Nhằm tận dụng các FTA, mở rộng thị phần của doanh nghiệp Việt tại các thị trường và đa dạng hóa các thị trường, mặt hàng xuất khẩu, ngày 14/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg.

Đề án hướng tới hỗ trợ thông tin thị trường cho 20.000 lượt doanh nghiệp; hỗ trợ về đào tạo, tư vấn cho 15.000 lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đồng thời, tổ chức 10.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Đọc tiếp