Biển hiệu Triển lãm Hàng không Singapore (Singapore Airshow) tại Trung tâm Triển lãm Changi, ngày 18/2. Ảnh: Reuters |
Theo Nikkei Asia, sự kiện năm nay được Singapore tổ chức với quy mô đầy đủ nhất, sau khi đóng cửa vào năm 2020 và mở cửa hạn chế vào năm 2022 – thời điểm ngành hàng không toàn cầu vẫn đang bị "phủ bóng" bởi tác động của đại dịch Covid-19.
Năm nay, Triển lãm Hàng không Singapore được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Changi từ ngày 20-23/2 với các ngày tham quan dành cho công chúng từ ngày 24-25/2.
Một chiếc máy bay Embraer E195-E2 Profit Hunter được trưng bày tại Triển lãm hàng không Singapore, ngày 20/2. Ảnh: Reuters |
Triển lãm hàng không hai năm một lần này được coi là nền tảng để các công ty toàn cầu trưng bày công nghệ mới nhất của họ và thảo luận về những thách thức cấp bách như tính bền vững. Ước tính có hơn 1.000 công ty từ hơn 50 quốc gia và khoảng 50.000 du khách sẽ tham dự các buổi triển lãm.
Các nhà sản xuất máy bay như Airbus và Boeing, các nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce và Pratt & Whitney và các doanh nghiệp liên quan đến hàng không khác đều có gian hàng triển lãm.
Một chiếc máy bay C919 được trưng bày trong Triển lãm hàng không Singapore, ngày 20/2. Ảnh: Reuters |
Sự kiện cũng có sự góp mặt của 16 gian hàng quốc gia, trong đó lần đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng không Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) là một trong những bên được công chúng theo dõi nhiều nhất trong triển lãm này. Tổng cộng 5 mẫu máy bay do COMAC phát triển, bao gồm C919 - máy bay chở khách nội địa đầu tiên của Trung Quốc, sẽ được trưng bày tại triển lãm.
Vào cuối năm 2023, nhu cầu du lịch toàn cầu đã phục hồi gần như hoàn toàn so với mức trước đại dịch. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến sẽ có 4,7 tỷ người sẽ đi du lịch trong năm nay. Đây là mức cao lịch sử và cao hơn 4% so với năm 2019.
Trong báo cáo tháng 12/2023, IATA đã dự báo rằng ngành hàng không toàn cầu sẽ đạt lợi nhuận ròng lên tới 25,7 tỷ USD vào năm 2024 sau khi phục hồi những tổn thất lớn phát sinh trong đại dịch Covid-19. Trong đó, doanh thu của hàng không châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ có lãi vào năm 2024.
Vấn đề giảm phát thải và tính bền vững
Bên cạnh triển vọng tươi sáng, ngành hàng không toàn cầu cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chuyển đổi năng lượng và tính bền vững. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hàng không chiếm 2% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2022.
Hôm 19/2, Chính phủ Singapore thông báo rằng các chuyến bay từ nước này kể từ năm 2026 sẽ được yêu cầu sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Ban đầu, "quốc đảo sư tử" sẽ đặt mục tiêu đưa SAF chiếm 1% tổng lượng nhiên liệu máy bay được sử dụng trong nước. Mục tiêu này sau đó sẽ được nâng lên từ 3-5% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Singapore sẽ áp dụng một khoản thuế bổ sung đối với các chuyến bay từ nước này để hỗ trợ mua SAF theo giá thị trường. Thông qua mục tiêu mới, Chính phủ Singapore tìm cách gửi "tín hiệu nhu cầu" tới thị trường và tạo niềm tin cho các công ty năng lượng đầu tư thêm vào sản xuất SAF.
Trong thời gian qua, ngành hàng không toàn cầu đã mục tiêu đưa phát thải về 0 vào năm 2050 và thúc đẩy việc sử dụng SAF. Tuy nhiên, SAF hiện chỉ chiếm 0,1% tổng lượng nhiên liệu hàng không được tiêu thụ và có giá cao gấp 3-5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường.
Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, cho biết quá trình giảm phát thải là vấn đề hiện hữu đối với ngành hàng không. Ông cho biết, SAF là lựa chọn đáng tin cậy duy nhất để ngành đạt được mục tiêu giảm phát thải, mặc dù "không thể tránh khỏi" việc giá vé máy bay có thể tăng cao.
"Ngành công nghiệp hàng không sẽ không được phép phát triển, trừ phi chúng tôi có thể chứng minh cho khách hàng và cơ quan quản lý rằng chúng tôi có thể phát triển một cách bền vững", ông nhấn mạnh.