Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) đón chào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Nga, tháng 9/2023. Ảnh: KCNA |
Theo KCNA, thông cáo đăng tải ngày 20/1 của Văn phòng trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên cho biết, bà Choe Son Hui đã nói với nhà lãnh đạo Nga rằng: “Chính phủ Triều Tiên nồng nhiệt chào đón Tổng thống Putin đến thăm Bình Nhưỡng và sẵn sàng chào đón người bạn thân thiết nhất của nhân dân Triều Tiên với sự chân thành nhất”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì lời mời tới thăm và bày tỏ sẵn sàng sớm đến thăm Bình Nhưỡng, theo thông cáo.
Thông cáo cũng nêu rằng phía Nga đã bày tỏ “cảm ơn sâu sắc với Triều Tiên vì sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn đối với lập trường của chính phủ và người dân Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”.
Nga và Triều Tiên cùng bày tỏ quan ngại trước các hành động khiêu khích của Mỹ và các đồng minh, đồng thời nhất trí hợp tác giải quyết tình hình khu vực. Thông cáo cũng nhấn mạnh sự hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Moscow sẽ phù hợp với tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Hồi đầu tuần này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow hy vọng chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin theo lời mời của ông Kim sẽ diễn ra “trong tương lai gần”, nhưng ông cho biết vẫn chưa thống nhất được ngày giờ.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga tới Triều Tiên sau hơn 2 thập kỷ. Sau khi kế nhiệm chức Tổng thống Nga vào năm 1999, ông Putin đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7/2000 để gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il - cha của ông Kim Jong Un.
Vào năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thực hiện chuyến công du Nga từ ngày 12-17/9/2023 bằng tàu hỏa. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Kim sau gần 4 năm và là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông sau đại dịch Covid-19.
Điện Kremlin và Bình Nhưỡng khi đó không công bố chi tiết cụ thể nội dung thảo luận của ông Kim và ông Putin, mà chỉ cho biết hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm với sự tham gia của các phái đoàn hai nước. Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề hợp tác kinh tế và nhân đạo, tình hình trong khu vực cũng như nhiều chủ đề khác.