Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Mục tiêu nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển," tờ trình nêu.
Cũng theo tờ trình, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng, trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2.500 tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ đồng/tháng).
Theo Chính phủ, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47.488 nghìn tỷ đồng.
Phiên họp thứ 34 sáng 13/6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Đưa vào Nghị quyết kỳ họp để Quốc hội xem xét, quyết định
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ thống nhất việc giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 7. Đây cũng là lần thứ 3 Quốc hội quyết định việc giảm 2% thuế VAT.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để phục hồi. Do đó, việc giảm thuế sẽ giúp các đối tượng nộp thuế có động lực sản xuất, tăng thu cho những năm tới. Đồng thời giúp nền kinh tế duy trì sản xuất, tăng kích cầu tiêu dùng. Thời gian Chính phủ đề xuất chỉ là 6 tháng, không phải giảm dài hạn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý về mặt chủ trương trong việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Do đó, giao Chính phủ có tờ trình tóm tắt, Ủy ban Tài chính Ngân sách có báo cáo thẩm tra, tổng thư ký có công văn đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ. Sau đó, tổng hợp đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng theo tờ trình của Chính phủ.
Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu, thời gian, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng dự toán chi ngân sách nhà nước 2024. Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các luật thuế, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đó có thuế giá trị gia tăng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Ảnh: quochoi.vn |
"Đặc biệt, lưu ý quan điểm sửa đổi, bổ sung pháp luật thuế tính theo nguyên tắc thị trường và các thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, định hướng và thực hiện tăng thuế theo lộ trình," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Dự thảo nghị quyết trình Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra chính thức, trong đó nêu rõ quan điểm trình Quốc hội xem xét và thảo luận tại tổ trong một thời gian thích hợp do Văn phòng Quốc hội bố trí để xem xét quyết định và đưa thành một nội dung trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7.