Vòng tay vàng tại một cửa hàng trang sức vàng ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: CNBC |
Theo CNBC, giá vàng thế giới tăng cao đã gây ra cơn sốt vàng, cũng như làm gia tăng các vụ lừa đảo vàng ở Trung Quốc. Chính phủ nước này gần đây cho biết có nhiều người tiêu dùng đã mua phải vàng giả khi tìm mua vàng 999 trực tuyến.
Vàng nguyên chất thường được gọi là vàng 999, bởi vì hàm lượng vàng là 99,9%. Trong một số trường hợp, loại vàng này còn được gọi là vàng 24 carat. "Vàng giả đang trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc khi ngày càng nhiều người dân tìm cách đổ tiền tiết kiệm vào vàng," ông Shaun Rein – Giám đốc điều hành China Market Research Group, cho biết.
Trung Quốc đang là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới. Năm ngoái, nước này đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước mua trang sức vàng lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), người dân Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng trong năm 2023, tăng 10% so với năm 2022.
"Nhu cầu vàng lớn kết hợp với tình trạng người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc không thể phân biệt giữa vàng 24 carat với vàng chất lượng thấp, đã làm nảy sinh các vụ lừa đảo," ông Rein nói thêm.
Khách hàng mua vàng tại một cửa hàng vàng ở Nam Thông, Trung Quốc. Ảnh: CNBC |
Các báo cáo về những vụ lừa đảo vàng đã xuất hiện trên phương tiện truyền thông địa phương và các trang web về bảo vệ người tiêu dùng của Trung Quốc.
Một người chia sẻ rằng đã mua 5 mặt dây chuyền vàng với giá 1.958 NDT (280 USD) từ trang thương mại điện tử Taobao, sau đó anh ta phát hiện đó là vàng giả khi thử với lửa. Vàng giả sẽ sẫm màu hơn hoặc có ánh xanh khi tiếp xúc với nhiệt, trong khi vàng nguyên chất sẽ càng sáng hơn.
Một người khác thì nói rằng đã mua phải một sản phẩm vàng bị han rỉ từ trang thương mại điện tử Pinduoduo. Người mua khẳng định đã mang sản phẩm này đến một tiệm trang sức để thẩm định và được cho biết đó là vàng giả.
Taobao và Pinduoduo hiện không trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.
Trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn vàng giả, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã đưa ra hướng dẫn xác định trang sức vàng thật.
Các mẹo được chia sẻ bao gồm việc nghe âm thanh khi thả trang sức xuống sàn nhà hoặc nhỏ axit nitric lên sản phẩm. Nếu giọt acid làm trang sức xuất hiện màu xanh, thì sản phẩm vàng đó được làm bằng kim loại thường hoặc được mạ vàng. Nếu sản phẩm không bị đổi màu thì đó là vàng thật.
Ngoài ra, người tiêu dùng quen thuộc với vàng có thể phát hiện ra vàng giả dựa vào trọng lượng và kích thước của sản phẩm, theo ông Nikos Kavalis – đối tác sáng lập của công ty nghiên cứu và tư vấn về kim loại quý Metal Focus. Ông nói thêm rằng: "Tuỳ vào thiết kế, người ta cũng có thể phát hiện ra trang sức vàng giả dựa vào độ cứng của nó. Vàng 999 rất mềm".
Bên cạnh các dấu hiệu nhận biết và các cách thức kiểm tra, vẫn khó để biết chắc chắn một sản phẩm có là vàng thật hay không. "Điều chính mà người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình đó là mua từ các nguồn có uy tín, cho dù là mua trực tuyến hay mua tại cửa hàng," ông Kavalis cho hay.
Vàng giả không phải là hiện tượng mới ở Trung Quốc. Theo WGC, việc bán vàng trực tuyến tại Trung Quốc mặc dù đang phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ vàng của nước này vì người tiêu dùng chủ yếu mua vàng tại các cửa hàng. Cơ quan này cũng nhấn mạnh: "WGC khuyến nghị người tiêu dùng không nên đánh đổi sự an toàn khi mua hàng với mức giá rẻ đáng ngờ".