Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: Deposit Photos |
Trong đợt ấn định lãi suất vào tháng 1 đầu năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong thời hạn 1 năm. Lãi suất này là cơ sở của hầu hết các khoản vay mới và khoản vay chưa trả và sẽ được giảm xuống còn 3,7%.
Kể từ tháng 4/2020, lãi suất này đã không thay đổi cho đến tháng 12 năm ngoái khi nó được điều chỉnh từ 3,85% xuống 3,8%. Sự thay đổi này cũng thể hiện việc hạ lãi suất trong tháng thứ 2 liên tiếp trong vòng 20 tháng của PBOC.
Trong cùng lúc đó, PBOC cũng sẽ cắt giảm lãi suất LPR 5 năm - từ 4,65% xuống còn 4,6% lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Kể từ năm 2019, lãi suất LPR trên thực tế đã được coi là chi phí tài trợ chuẩn của Trung Quốc. Tỷ lệ này là do một nhóm 18 ngân hàng quyết định và được báo cáo dưới dạng chênh lệch lãi suất cho vay trung hạn của ngân hàng trung ương.
Sheana Yue, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định việc cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản 1 năm và 5 năm thể hiện các nỗ lực của PBOC nhằm giảm chi phí đi vay xuống. Sau động thái cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn xuống 10 điểm cơ bản vào 17/1 vừa qua, việc cắt giảm này không nằm ngoài kỳ vọng của nhiều người. Nó cũng thể hiện ý định của chính phủ Trung Quốc là ổn định tăng trưởng trong năm 2022.
Trong một cuộc khảo sát bởi hãng tin Reuters, tất cả 43 người tham gia đều đưa ra dự đoán lãi suất cho vay cơ bản trong 1 năm sẽ được tiếp tục cắt giảm vào tháng 1. 38 người trong số đó đã dự kiến 10 điểm cơ bản sẽ được cắt giảm trong khi 5 người còn lại chỉ dự đoán mức giảm nhẹ 5 điểm cơ bản.
Về lãi suất LPR 5 năm, 40 người tham gia cũng kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm lãi suất này và 27 người trong đó dự đoán mức cắt giảm sẽ vào khoảng 10 điểm cơ bản.
Chuyên gia kinh tế Sheana Yue chia sẻ: “Việc cắt giảm sẽ ngay lập tức tạo ra ảnh hưởng tới dư nợ lãi suất thả nổi các khoản cho vay kinh doanh, đồng thời cũng sẽ dẫn tới kết quả là các khoản vay trở nên rẻ hơn cho những người vay lãi suất cố định mới. Các khoản thế chấp sẽ rẻ hơn và sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở gia tăng”.
Đồng thời, chuyên gia này bổ sung: “Chúng tôi mong đợi các biện pháp nới lỏng bổ sung sẽ được thực hiện trong những tháng tới. Tuy nhiên, hiện các nhà hoạch định chính sách vẫn tỏ ra khá lưỡng lự trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh”.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc vẫn luôn cố gắng kiềm chế tình trạng giá nhà gia tăng và mức nợ cao của ngành bất động sản. Tuy nhiên vẫn ngày càng có nhiều chủ đầu tư bị vỡ nợ và nhiều dự án xây dựng bị đình trệ.
Với tình trạng suy thoái được dự đoán vẫn sẽ kéo dài trong nửa đầu năm nay cùng với sự bùng phát dịch bệnh khiến thị trường tiêu dùng ảm đạm, các nhà phân tích hy vọng các biện pháp nới lỏng hơn nữa sẽ sớm được thực hiện.
Tommy Xie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Ngân hàng OCBC, nhận định: “Sau khi các nhà lãnh đạo quốc gia nhận ra được những rủi ro suy giảm ngày càng cao trong tháng 12, nhu cầu về một khởi đầu thuận lợi sẽ đảm bảo rằng chính sách sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu”.
Ngoài ra, chuyên gia này còn kỳ vọng các lãi suất LPR, tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng cũng như lãi suất cho vay trung hạn còn có thể giảm sâu hơn trong khoảng thời gian tới. Ông dự đoán lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn dư địa để giảm thêm 10 điểm cơ bản nữa.