Trước thềm cổ đông lớn thoái vốn, PG Bank liên tục biến động nhân sự

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:00 - 20/09/2022
Trước thềm cổ đông lớn thoái vốn, PG Bank liên tục biến động nhân sự
0:00 / 0:00
0:00
Trong thời gian chờ cổ đông Petrolimex thoái vốn, ngân hàng PG Bank đã có 2 Phó Tổng Giám đốc và 1 thành viên Ban Kiểm soát của nhà băng này xin từ nhiệm.

Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank vừa có nghị quyết chấp thuận đơn xin nghỉ việc của bà Đỗ Thị Đức Minh. Theo đó, bà Minh sẽ thôi đảm nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc, Thành viên Uỷ ban Quản lý rủi ro, Người phụ trách quản trị ngân hàng, Thư ký HĐQT, Chánh Văn phòng HĐQT PG Bank, kể từ ngày 19/9/2022.

Ngoài ra, cũng trong ngày 19/9, HĐQT PG Bank đã thông qua việc bổ nhiệm bà Lê Phương Thanh Tùng giữ chức vụ người phụ trách quản trị ngân hàng. Bà Tùng trước đó đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc phụ trách phòng Marketing và phát triển thương hiệu của PG Bank.

Trong 2 tháng trở lại đây, tại PG Bank liên tục có sự biến động nhân sự cấp cao. Vào ngày 12/9, HĐQT PG Bank cũng đã chấp thuận nguyện vọng thôi đảm nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của ông Nguyễn Mạnh Hải. Quyết nghị này có hiệu lực từ ngày 16/9/2022.

Trước đó, ngày 10/8, HĐQT PG Bank cũng nhận được đơn xin từ nhiệm của bà Trần Vân Hương – Thành viên Ban kiểm soát ngân hàng. Trong đơn, bà Hương bày tỏ vì lý do cá nhân nên xin phép không thực hiện nhiệm vụ Thành viên BKS từ ngày 01/9/2022.

Sự thay đổi trong bộ máy nhân sự cấp cao của PG Bank diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã CK: PLX) sắp tiến hành bán đấu giá cổ phần tại nhà băng này.

Trong tháng 7, PG Bank đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) thông qua hình thức đấu giá công khai.

Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PGBank. Theo thị giá hiện nay, số cổ phần PGB mà Petrolimex sở hữu có giá trị hơn 2.500 tỷ đồng.

Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý III/2022, tuy nhiên, đã gần hết tháng 9 nhưng kế hoạch này chưa được tiến hành.

Là ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn thấp nhất hệ thống, với vốn hóa chỉ khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng, nhóm nhà đầu tư nào chi ra 2.500 tỷ đồng (khoảng 105 triệu USD) sẽ có thể thâu tóm được 40% vốn mà Petrolimex để lại, qua đó đủ khả năng chi phối nhà băng có quy mô tài sản hơn 1,6 tỷ USD (37.800 tỷ đồng).

Điều này cũng giúp PG Bank trở nên tương đối hấp dẫn nhất trong mắt nhiều '"ông lớn" ngân hàng như VietinBank, MB, HDBank. Tuy nhiên, đến cuối cùng vẫn chưa có ngân hàng nào nhận chuyển giao thành công.

Thời gian chờ thoái vốn và xác nhập, kết quả kinh doanh tại PG Bank đạt được hiện vẫn không có nhiều sự bứt phá. Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 245 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản tại PG Bank là 39.636 tỷ đồng, giảm 2,1% so với đầu năm. Tổng nợ xấu tăng 1% lên hơn 700 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,5% lên 2,66% so với thời điểm đầu năm và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 35% lên 37,1%.

Trong năm nay, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ, đây là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng vốn và là năm thứ 10 liên tiếp không chia cổ tức. Trong năm 2010, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Kế hoạch năm 2022, PG Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 430 tỷ đồng, tăng 33,1% so với mức thực hiện năm 2021. PG Bank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 7,7% đạt 43.659 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến 31/12/2022 đạt 29.885 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7 %. Tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 7% do ngân hàng dự kiến thu hồi toàn bộ 430 tỷ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp