TS Võ Trí Thành. |
Chia sẻ tại hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư 2024” sáng 26/3, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, giai đoạn vừa qua thực sự khó khăn, nhưng cũng là lúc nhân loại nói nhiều nhất đến thay đổi cách thức phát triển.
Mặc dù kinh tế thế giới còn phải đối mặt nhiều trở ngại nhưng vị chuyên gia nêu hai điểm sáng thấy rõ, giúp hỗ trợ kinh tế Việt Nam. Một là nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam rất thấp, thậm chí tốt hơn, điển hình như kinh tế Hoa Kỳ. Thứ hai là thị trường tài chính tiền tệ đã tốt hơn, lạm phát giảm nhanh, là cơ sở để các quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, các xu thế mới đang rất mạnh mẽ, gồm số, xanh, bền vững... và Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất từ sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch.
Với kinh tế Việt Nam, TS Võ Trí Thành đánh giá, giai đoạn khó khăn nhất là năm 2022 với lãi suất cao, áp lực tỷ giá, thị trường trái phiếu khủng hoảng, thị trường bất động sản suy giảm... Đến thời điểm hiện tại, các khó khăn tuy vẫn còn đó nhưng đã giảm đi nhiều. Lãi suất giảm dần và đang ở mức thấp, lạm phát và tỷ giá giữ được...
“Đặc biệt, xuất khẩu đã tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024; nông nghiệp ổn định, công nghiệp chế biến chế tạo cũng dần quay trở lại làm động lực cho nền kinh tế; FDI, đầu tư công đều tốt. Chỉ còn vấn đề là bất động sản, khi sự hồi phục chưa như kỳ vọng, tiêu dùng vẫn đang yếu,” TS Thành cho biết.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Nhiều luật được sửa, nhiều khung khổ pháp lý liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số được xây dựng; đẩy mạnh hệ tầng số; tất cả các quy hoạch vùng, tỉnh sẽ xong trong năm nay, bên cạnh các cơ chế đặc thù. Cùng với đó là hoạt động đối ngoại hiệu quả. Tất cả tạo thành nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Nhắn nhủ tới doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, TS Võ Trí Thành chia sẻ 3 bí quyết: Thấy cho hết khó khăn để có công cụ phòng thủ; biết nhặt nhạnh các cơ hội để vượt khó; nắm bắt xu thế gắn với xanh, công nghệ, con người. “Đừng quá bi quan nhưng cũng không lạc quan ‘tếu’, hãy hành động với tâm thế tích cực,” ông nhấn mạnh.
Các động lực tăng trưởng mới
Đồng tình với TS Võ Trí Thành, tại hội thảo do CafeF tổ chức, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng điều quan trọng nhất là trong khó khăn thách thức, chúng ta vẫn phải lạc quan.
Ông Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phục hồi. Đặc biệt xuất khẩu đã tăng trở lại trong 2 tháng đầu năm 2024 với mức tăng 19%, thặng dư thương mại được duy trì cao; nhu cầu tại các thị trường chính phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng dần (dù ngắn hạn). Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 33%. “GDP quý 1 dự báo tăng trưởng 5,5-5,7%,” vị chuyên gia nói.
TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo. |
Về các lĩnh vực đầu tư, TS Cấn Văn Lực cho biết, dù gặp nhiều khó khăn nhưng kênh chứng khoán vẫn tăng trưởng tích cực trong năm vừa qua (khoảng 13%), các nhóm ngành từng giảm mạnh trong năm 2022 đều tăng trưởng tích cực như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản...
Với thị trường bất động sản, ông Lực nhận định cũng đang dần phục hồi. Lượng cung nhà ở năm 2023 không tăng nhưng giao dịch đã tăng trở lại. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2024, theo quan sát của vị chuyên gia, đã nhộn nhịp hẳn lên vì đang thiếu nguồn cung. Mặc dù nhận định vẫn còn rủi ro ở thị trường này, cần thời gian khắc phục nhưng ông Lực nhận định sẽ khắc phục nhanh, vì Việt Nam rất khác Trung Quốc, khi thiếu cung chứ không thừa cung.
Bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống, TS Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cũng đang có các động lực tăng trưởng mới, gồm: Chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thể chế kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững; liên kết vùng; cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng... Theo ông, đây là những động lực để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 1-1,1% hàng năm.
Để nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh trong giai đoạn mới, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị doanh nghiệp phải quyết liệt hơn trong việc tái cơ cấu; ngành bất động sản nên giảm giá bán thay vì giá cao như giai đoạn vừa qua vì không phù hợp và không bền vững; đa dạng hoá đối tác, thị trường; quan tâm hơn đề phòng rủi ro.
“Nhà đầu tư thì cần luôn biết mình là ai, khẩu vị rủi ro là gì, dùng đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải, nên dùng dịch vụ chuyên nghiệp...,” ông Lực đưa ra lời khuyên.