Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Chiều 27/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Dự thảo).
Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, UBKT đề nghị cần bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, cụ thể hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn đối với tác động đến thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) và nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.
Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Ủy ban Kinh tế cho rằng, các dự án giao thông đường bộ thường có chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia đầu tư.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.
Tuy nhiên UBKT cũng nêu thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách, dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc đầu tư. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. UBKT đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất.
Về đề xuất giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình, UBKT cũng cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Việc phân cấp này đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án áp dụng cơ chế này thời gian qua cho thấy, năng lực của các ban quản lý điều hành dự án tại các địa phương là chưa đồng bộ, có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành đồng bộ, theo tiến độ của các dự án thành phần.
Để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, quyết định, UBKT đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách này trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án.
Bên cạnh đó, so với Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư, do đó, đề nghị bổ sung, làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đối với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm và danh mục các dự án đề xuất áp dụng thí điểm kèm theo dự thảo Nghị quyết, UBKT đề nghị tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, để bảo đảm các dự án được lựa chọn phải thực sự cần thiết, cấp bách và phù hợp với quy định pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.