UBTVQH chất vấn nhóm vấn đề lĩnh vực tòa án và kiểm sát

Tư pháp QUỐC HỘI
09:25 - 20/03/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, ngày 20/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm soát.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến đến với 62 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các tòa án, viện kiểm sát các tỉnh/thành phố, Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, tòa án quân sự…

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng được truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.

Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, tập trung vào 4 nội dung:

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.

Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.

Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Chịu trách nhiệm trả lời chính: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đối với ngành tòa án, đây là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

Thời gian qua, số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó, số lượng biên chế được giao không tăng thêm nên chất lượng biên chế còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức, công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên. Mặt khác, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nổi lên là vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt tiêu chỉ tiêu của Quốc hội đề ra…

Đối với ngành kiểm sát nhân dân, hơn 10 năm qua, khối lượng công việc phải thực hiện tăng lên gấp đôi, yêu cầu pháp luật ngày càng cao, biên chế độ chính sách, cơ sở vật chất còn hạn chế.

Với phương châm đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, ngành kiểm sát đã thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên tất cả các mặt, từ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng công tác cán bộ cho đến việc thực hiện quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, còn xảy ra một số tồn tại hạn chế như trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới, đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra…

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng cử tri những thông tin chính thống và kết quả công tác của ngành mình. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng qua phiên chất vấn hôm nay sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới, nhất là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính…

Tin liên quan

Đọc tiếp