Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mông Cổ ngày 2/9/2024. Ảnh: TASS |
Chiều ngày 2/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Mông Cổ bắt đầu chuyến thăm chính thức theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga tới một quốc gia thành viên ICC kể từ khi tòa án có trụ sở tại Hague (Hà Lan) ban hành lệnh bắt giữ ông vào năm ngoái. Cụ thể, lệnh bắt giữ sẽ buộc 124 quốc gia thành viên của ICC phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân đến đất nước họ.
Tuy nhiên trước chuyến đi, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố rằng Moscow "không cảm thấy lo ngại" về việc chính phủ Mông Cổ sẽ hành động theo lệnh của ICC. Ông Peskov nhấn mạnh rằng mọi khía cạnh của chuyến thăm đã được chuẩn bị cẩn thận. "Không có gì phải lo lắng, chúng tôi có cuộc đối thoại tuyệt vời với những người bạn của mình ở Mông Cổ," ông nói.
Sau khi Tổng thống Nga hạ cánh suôn sẻ tại Mông Cổ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Georgy Tykhy đã thể hiện thái độ phản đối với hành động của nước này trên mạng xã hội X.
Hãng tin RT dẫn lời quan chức này cho biết: "Việc chính phủ Mông Cổ không thực hiện lệnh bắt giữ theo ràng buộc quy định của ICC đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin là một đòn giáng nặng nề vào Tòa án Hình sự Quốc tế và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế".
Ông khẳng định Mông cổ đã để ông Putin “trốn tránh công lý” và do đó sẽ phải “chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh”. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ukraine cũng đồng thời tuyên bố quốc gia này “sẽ làm việc với các đối tác để đảm bảo rằng động thái này sẽ gây ra hậu quả cho Ulaanbaatar”.
Chính phủ Mông Cổ vẫn chưa phản ứng lại các tuyên bố trên. Trước đó, phát ngôn viên Tổng thống Mông Cổ Ulziibayaryn Zolbayar trong một cuộc họp báo đã tuyên bố rằng các thông tin được lan truyền về việc ICC liên lạc với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh vào đêm trước chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia Nga Vladimir Putin là sai sự thật.
ICC có thể lên án Mông Cổ vì không thực thi theo lệnh. Tuy nhiên, RT cho biết ICC không có thẩm quyền áp dụng bất kỳ hình phạt hoặc lệnh trừng phạt nào, đồng thời cũng không có bất kỳ cơ chế nào để thực thi lệnh của riêng mình, mà phải dựa vào các quốc gia thành viên lựa chọn có tuân thủ hay không.
Ngoài ra, cả Nga và Ukraine đều không phải là bên ký kết Quy chế Rome, thỏa thuận năm 1998 thành lập nên ICC. Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn quy chế này vào tháng trước, nhưng đã đưa vào một điều khoản nêu rõ rằng họ sẽ không công nhận thẩm quyền của tòa án đối với các vụ án liên quan đến công dân Ukraine.
Ngày 17/3/2023, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủy viên tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova vì các cáo buộc liên quan đến tội ác chiến tranh "bao gồm việc trục xuất bất hợp pháp" trẻ em Ukraine khỏi “các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine”.
Moscow đã bác bỏ những cáo buộc này là vô lý, đồng thời khẳng định nước này đang sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự, nơi họ phải đối mặt với nguy hiểm sắp xảy ra từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh của Ukraine.
Một năm sau vào ngày 25/6/2024, ICC tiếp tục ban hành lệnh bắt giữ Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov.