Trồng rau thủy canh công nghệ cao tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP |
Tại hội thảo “Chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm và kết nối giao thương trên địa bàn TP Hà Nội”, ngày 25/3, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tân Lộc, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế thị trường, Viện Nghiên cứu Rau quả giải thích việc truy xuất nguồn gốc đang trở thành nhu cầu lớn của người tiêu dùng do nguồn cung ứng hàng hóa trên thị trường vô cùng đa dạng.
Việc này một mặt giúp cho hàng hóa phong phú hơn, nhưng cũng gây khó khăn cho người tiêu dùng khi không thể nhận biết được hàng hóa mà mình sử dụng có nguồn gốc đảm bảo hay không. Chính vì vậy, người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc truy xuất nguồn gốc. Từ đó nhu cầu chuyển đổi số, áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp cũng ngày càng cao.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sự sẵn sàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, có tới 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng các giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện không còn sử dụng nữa. Nguyên nhân đưa ra có thể do sử dụng các giải pháp không phù hợp với doanh nghiệp. Chỉ có 2,2% doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ và sẵn sàng trong công cuộc chuyển đổi số.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, con số này hiện này vẫn còn rất thấp. Để nâng cao khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp, Bộ đang nỗ lực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số và chuẩn hóa hệ thống các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số tại Việt Nam. Một trong số đó là việc công bố các sổ tay, sách hướng dẫn cho doanh nghiệp về chuyển đổi số.
Ông Lê Văn Chiến, đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT. Ảnh: Anh Thư |
Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Chiến, đại diện Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, cho biết, hiện Bộ đang có các hoạt động khác để tăng cường chuyển đổi số trong doanh nghiệp như đào tạo về chuyển đổi số.
Bên cạnh hệ thống đào tạo cơ bản E-learning, Bộ đang nỗ lực tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước, thông qua nguồn vốn ODA và nguồn lực xã hội. Bộ KH&ĐT đã tổ chức được các buổi tập huấn tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Trong thời gian tới, cơ quan này mong muốn có sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội để tiếp tục tổ chức tập huấn tại các địa phương trên cả nước.
Về phía những người trực tiếp thực hiện chuyển đổi số, theo bà Nguyễn Thị Tân Lộc, hiện nay, công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, tạo ra những thay đổi cũng như những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp, người nông dân cần có sự thay đổi trong tư duy, cần nhìn nhận chuyển đổi số là tất yếu trong doanh nghiệp để có sự chuyển đổi, nắm bắt công nghệ kịp thời. Đồng thời nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, kết nối với các đơn vị phân phối, đơn vị sản xuất.
Bà Trần Thị Trang, Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo - Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cho biết, bên cạnh những giải pháp trên, TP Hà Nội cũng triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Ảnh: Anh Thư |
Cùng bàn về vấn đề này, theo bà Trần Thị Trang, Trưởng phòng Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo - Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cho biết, bên cạnh những giải pháp trên, TP Hà Nội cũng triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như các quỹ vay vốn với lãi suất thấp, các lớp học, khóa tập huấn miễn phí, nhóm chuyên gia tư vấn miễn phí.
Đặc biệt, thành phố cũng lên kế hoạch truyền thông tới người dân về các ứng dụng và giá trị của việc truy xuất nguồn gốc và thúc đẩy người dân sử dụng các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.
Nhiều doanh nghiệp tại hội thảo ủng hộ phương án này và chia sẻ, doanh nghiệp không ngại đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất để chuyển đổi số và ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến các sản phẩm có nguồn gốc cũng như chưa ưu tiên sử dụng các sản phẩm này. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí đầu tư cao hơn nhưng vẫn phải cạnh tranh giá bằng các sản phẩm không có nguồn gốc trên thị trường.