Kết quả kinh doanh của Thế giới Di động vẫn chưa có nhiều khởi sắc. |
Phiên 1/11, mặc dù thị trường chung hồi phục hơn 10 điểm, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động vẫn giao dịch tiêu cực.
Lực bán tung ra mạnh từ đầu phiên khiến nỗ lực bắt đáy của nhà đầu tư không thể khiến tình thế đảo chiều.
Kết phiên, MWG giảm sàn rơi về mức giá 35.100 đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp, cổ phiếu bluechip này đóng cửa ở mức giá thấp nhất.
Điểm tích cực hơn phiên hôm qua (31/10) là MWG đã nhận được dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ từ khối nội, đưa khối lượng khớp lệnh lên gần 21 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch lên đến 750 tỷ đồng, cao thứ hai toàn sàn chứng khoán. Đây cũng là khối lượng khớp lệnh cao nhất trong một phiên của MWG kể từ khi niêm yết tháng 7/2014. Ngược lại, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng thêm 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 190 tỷ đồng.
Cổ phiếu của Thế giới Di động giảm sàn ngay sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với kết quả cho thấy khó khăn vẫn chưa đi qua. So với cùng kỳ năm ngoái, mức doanh thu của công ty chỉ giảm nhẹ 5%, đạt gần 30.300 tỷ đồng. Tuy nhiên lãi sau thuế lại chỉ vỏn vẹn 39 tỷ đồng, giảm tới 96%.
Nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính lên tới 619 tỷ đồng (tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái) thì phần lợi nhuận còn kém khả quan hơn. Doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi khi công ty gia tăng lượng tiền gửi lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Doanh thu giảm, biên lợi nhuận thấp cho thấy mảng kinh doanh chủ chốt của MWG là bán lẻ công nghệ dường như vẫn đối mặt với khó khăn lớn, khi sức cầu chưa phục hồi và áp lực cạnh tranh lớn.
Diễn biến cổ phiếu MWG thời gian qua. |
Thực tế trước khi hai phiên “nằm sàn” liên tiếp diễn ra, MWG đã vào đà giảm kể từ đầu tháng 9/2023. Từ vùng giá 55.000 đồng, tính đến nay cổ phiếu này đã giảm tới 36%. Giá trị vốn hóa thị trường của Thế giới Di động cũng theo đó “bốc hơi” gần 30.000 tỷ đồng, chỉ còn khoảng hơn 51.000 tỷ đồng.
Trong nguyên nhân giảm, có một phần từ áp lực rút vốn từ khối ngoại. Chỉ trong vòng một tháng qua, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu MWG, tương đương giá trị bán ròng lên đến hơn 1.100 tỷ đồng.
Dragon Capital – quỹ ngoại vốn là cổ đông lớn của MWG đã liên tục thoái vốn kể từ cuối năm 2022. Giao dịch gần đây nhất là vào đầu tháng 4 năm nay, Dragon Capital bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 117,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,008%) xuống còn 116,2 triệu đơn vị (tỷ lệ 7,94%).
Tính theo số lượng nắm giữ ngày 26/12/2022 là 148,1 triệu đơn vị (10,12%), nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng khoảng 32 triệu cổ phiếu MWG từ đầu năm tới nay, hạ tỷ lệ sở hữu từ 10,12% xuống còn 7,94%.
Không chỉ Dragon Capital, nhóm quỹ ngoại liên quan đến Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd cũng liên tục rút vốn khỏi MWG. Gần đây nhất, ngày 28/8, nhóm này đã bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu MWG, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,02% xuống còn 5,88%. Trong vòng 8 tháng đầu năm, nhóm quỹ ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 33 triệu cổ phiếu MWG.