Khép lại một năm với nhiều biến động
Năm 2022 khép lại với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ các nước nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội thời kỳ “hậu Covid-19”, chuyển từ trạng thái “ứng phó”, “Zero Covid” sang chiến lược “thích ứng an toàn”, “bình thường mới”, mở cửa trở lại nền kinh tế.
Vượt qua thời kỳ dịch bệnh ảm đạm, nền kinh tế thế giới dần lấy lại bước đà phục hồi, tuy nhiên quá trình này còn thiếu vững chắc, không đồng đều và đã xuất hiện nhiều biến cố, rủi ro. Hiện tượng gián đoạn sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là tình trạng thiếu hụt nguyên nhiên liệu, lạm phát tăng cao ở phạm vi toàn cầu và rủi ro suy thoái kinh tế đe doạ nghiêm trọng thành quả của quá trình phục hồi, đặt nhiều nền kinh tế trước những thách thức vô cùng bất định.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ góp phần khiến tình hình chính trị - an ninh toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp. Sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và các trung tâm quyền lực diễn ra quyết liệt và phức tạp hơn.
Trong khi đó, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được đánh giá là khu vực phát triển năng động, đồng thời là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Điều này góp phần tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho tăng cường xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực, song cũng đặt ra thách thức đối với các nước vừa và nhỏ trong việc giữ vững độc lập, tự chủ.
Đối ngoại Việt Nam khẳng định vị thế, nâng tầm vai trò
Nếu năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại trong giai đoạn mới, thì năm 2022 là năm Việt Nam thực hiện chủ động, tích cực và toàn diện các nhiệm vụ và gặt hái nhiều tin vui.
Dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi cũng là thời điểm nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao trực tiếp của Việt Nam được nối lại, nhiều chuyến thăm cấp song phương và đa phương được tổ chức.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương trên kênh trực tuyến và trực tiếp đã thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Trong năm 2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các hoạt động ngoại giao quan trọng, các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến và trực tiếp với người đứng đầu nhiều đảng cầm quyền, nhà nước, chính phủ và nghị viện các nước, các khu vực cũng như hầu hết các nước đối tác lớn, quan trọng, trên cả kênh đảng và Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh thăm chính thức Việt Nam, ngày 8/1/2022. Thủ tướng Lào là lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam trong năm 2022. Ảnh: TTXVN |
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) - mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, có một không hai trên thế giới và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (ngày 18/2/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là ‘hai nước anh em, đồng chí’".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia, ngày 8/11/2022. Ảnh: VGP |
Năm 2022 cũng đánh dấu cột mốc 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022) – một mối quan hệ đặc biệt có truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ hai nước ngày càng khăng khít, bền chặt, phát triển theo phương châm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam Men Sam An, ngày 20/11/2022. |
Lãnh đạo hai bên đều khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; coi đó là yêu cầu khách quan tất yếu đối với cả hai nước.
Năm 2022 còn ghi dấu ấn với chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm đã diễn ra thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc. |
Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Chuyến thăm đã góp phần thể hiện Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu cho xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Chuyến thăm cũng nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 5/12/2022. |
Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Tổng thống Yoon Suk-yeol (4/12-6/12/2022), hai nhà lãnh đạo thay mặt cho Nhà nước hai nước, nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính bước ngoặt, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc thời gian tới.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" sẽ đưa quan hệ hợp tác hai nước "sang trang mới phát triển mạnh mẽ ở tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Ngoại giao đa phương ghi điểm với nhiều dấu ấn
Ngoại giao đa phương năm 2022 của Việt Nam tiếp tục ghi những dấu ấn nổi bật, đặc biệt tại các cơ chế của Liên Hợp Quốc - diễn đàn đa phương lớn nhất và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới.
Ngày 7/6/2022, Việt Nam được bầu làm một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, đại diện cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 1 năm.
Phái đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 11/10/2022 trong phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 tại New York, Mỹ. Ảnh: TTXVN |
Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việc Việt Nam lần thứ hai được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của đất nước trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam cũng đẩy mạnh tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, góp phần truyền tải tiếng nói của các nước đang phát triển đối với các điểm nóng, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới.
Đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, Việt Nam thể hiện quan điểm, lập trường khách quan và rõ ràng, đó là: "Việt Nam kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu; đồng thời, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, tính tới lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới".
Đối với ASEAN, Việt Nam là thành viên tham gia chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm nhằm triển khai hiệu quả các nội dung ưu tiên trong năm 2022 của tổ chức.
Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong củng cố vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN, góp phần giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41, ngày 11/11/2022. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan ở Campuchia (11/11-13/11/2022), Việt Nam và các nước thành viên đã thông qua 100 văn kiện về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN; Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN “Cùng ứng phó thách thức”, Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Mỹ và ASEAN - Ấn Độ...
Các bên đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với Canada, ghi nhận đề nghị của Hàn Quốc và Nhật Bản nâng cấp quan hệ với ASEAN. Một số đối tác cũng bày tỏ mong muốn tổ chức các Hội nghị Cấp cao kỷ niệm với ASEAN như kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản trong năm 2023 và 50 năm ASEAN - Australia trong năm 2024.
Ngày 21/11/2022, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” đã chính thức khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội, Nghị viện các nước thành viên AIPA.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh cùng lãnh đạo các nước thành viên AIPA tại Lễ khai mạc AIPA-43, ngày 21/11/2022. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu với lãnh đạo Nghị viện các nước thành viên, các đối tác và quan sát viên tại Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, không một quốc gia nào có thể tự mình đơn độc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, sự đoàn kết, gắn bó và tương hỗ lẫn nhau là yếu tố quan trọng giúp ASEAN thành công.
Với tinh thần "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", những công dân trong mái nhà chung ASEAN cần tiếp tục cùng nhau gánh vác trọng trách xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết, năng động, chủ động thích ứng, tự cường, bao trùm và phát triển bền vững.
Tăng tốc thích ứng trong bối cảnh mới
Trải qua một năm nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có những đóng góp tích cực, cùng đất nước vượt qua nhiều khó khăn. Việt Nam tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò, vị thế, tăng cường quan hệ, mở rộng cơ hội hợp tác, từng bước thích ứng với bối cảnh mới.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều biến động. Kinh tế thế giới tuy đang trên đà phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái và tăng trưởng thấp. Các quốc gia đối mặt với lạm phát gia tăng, trong khi tốc độ phục hồi kinh tế chưa được như kỳ vọng. Tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng, sản xuất và nguồn nhân lực vẫn tiếp tục tồn tại.
Trong bối cảnh mới, công tác đối ngoại của Việt Nam đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới xuất phát từ vị thế, tiềm lực mới của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và từ những thay đổi của cục diện quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn “hậu Covid-19”.
Mục tiêu cao nhất của công tác đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục triển khai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII; phát huy vai trò trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, tăng độ tin cậy.
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ trương triển khai đối ngoại đa phương chủ động, tham gia tích cực nhằm nâng cao vai trò trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị, kinh tế quốc tế.