Việt Nam - Campuchia cần tập trung đầu tư một số dự án lớn, có tính đột phá

ĐẦU TƯ Campuchia
13:24 - 12/12/2023
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị Việt Nam - Campuchia cần tập trung đầu tư một số dự án lớn, có tính đột phá. Ảnh: MPI
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị Việt Nam - Campuchia cần tập trung đầu tư một số dự án lớn, có tính đột phá. Ảnh: MPI
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia tập trung trao đổi về khả năng hợp tác đầu tư các dự án mới, quy mô lớn, có tính đột phá, lan tỏa.

Sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovorthipadi Hun Manet đồng chủ trì Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam thuộc Top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 56 năm (từ năm 1967), hai nước Việt Nam và Campuchia đã không ngừng xây dựng, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trong đó hợp tác đầu tư là một trong những lĩnh vực trụ cột được ưu tiên thúc đẩy và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Về đầu tư, Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD. Khoản vốn này được đầu tư trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính - ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ…

Campuchia là địa bàn lớn thứ hai trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong Top 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

"Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Tuy vậy, Bộ trưởng cho biết, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Việt Nam cũng đang gặp phải một số khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, kết quả đầu tư còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm, chưa có thêm nhiều dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo ra sự bứt phá trong hợp tác.

Đồng thời, một số dự án lớn có khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời. Tiềm năng và dư địa hợp tác đầu tư bị thu hẹp đối với một số lĩnh vực như thủy điện, khai thác, chế biến khoảng sản; nông lâm nghiệp quy mô lớn…

"Những hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực, sự thay đổi của hệ thống pháp luật, sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong thực thi… đã ảnh hưởng tới các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia", Bộ trưởng đánh giá.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI

Chủ động phát huy những ưu đãi và lợi thế thông qua các khuôn khổ hợp tác

Để tăng cường hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số nội dung sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các lĩnh vực hợp tác đầu tư hiệu quả như nông lâm nghiệp, viễn thông, ngân hàng…, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm sản sạch, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao.

Thứ hai, tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực triển khai "Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030" và khẩn trương hoàn thành Đề án "Quy hoạch kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030", sớm trình cấp có thẩm quyền hai nước phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thứ ba, Campuchia cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và thống nhất trong việc ban hành và thực thi pháp luật.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, có tính kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Thứ tư, Việt Nam và Campuchia cùng chủ động phát huy những ưu đãi và lợi thế thông qua các khuôn khổ hợp tác trong ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO… kết hợp có hiệu quả với việc Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, với ưu đãi cao, hàng hóa Việt Nam và Campuchia dễ dàng tiếp cận thị trường nêu trên. Đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng từ các đối tác phát triển.

Thứ năm, tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến và hỗ trợ các nhà đầu tư hoạt động có hiệu quả...

"Đề nghị doanh nghiệp hai nước tập trung trao đổi về khả năng hợp tác đầu tư một số dự án mới, quy mô lớn, có tính đột phá, lan tỏa, cũng như những bài học kinh nghiệm; và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh

Bộ trưởng tin tưởng, với phương châm hợp tác cùng có lợi, tư duy kinh doanh mới và các giải pháp có tính đột phá, quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp, hữu nghị, bền chặt Việt Nam và Campuchia.

Đọc tiếp

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle. Ảnh: Bosch Vietnam

Chân dung tân Chủ tịch EuroCham

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố Hội đồng quản trị năm 2024 và bổ nhiệm ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, làm tân chủ tịch.