Các nhà khoa học thúc giục thế giới cắt giảm hóa chất trong sản xuất nhựa, tiến tới thông qua một hiệp ước toàn cầu về nhựa. Ảnh: Getty Images |
Trong khoảng thời gian từ 28/11 đến 2/12, cuộc họp của ủy ban đàm phán liên chính phủ thuộc Liên Hợp Quốc nhằm phát triển một thỏa thuận chống ô nhiễm nhựa toàn cầu được tổ chức tại Uruguay. Mục đích của cuộc họp này là để thúc đẩy các quốc gia đạt được thỏa thuận nhựa vào cuối năm 2024 và thông qua nó vào năm 2025.
Theo các tư liệu được cung cấp trong cuộc họp này, 9 tỷ tấn nhựa không thể tái chế đã được sản xuất từ năm 1950 đến năm 2017. Trong số đó, gần 80% trong số đó đã được chôn lấp tại bãi rác hoặc thải ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Thêm vào đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng đến năm 2060, rác thải nhựa có thể tăng gấp 3 lần so với năm 2019, với Châu Phi và Châu Á ghi nhận mức tăng lớn nhất. Đồng thời tại thời điểm đó, lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng gấp đôi.
Nikkei Asia trích dẫn ông Bethanie Carney Almroth, giáo sư khoa học sinh học và môi trường tại Đại học Gothenburg, Thụy Điển và đồng thời là một nhà khoa học tham gia vào cuộc họp, cho biết có khoảng 10.000 loại hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa. Chúng bao gồm polymers, oligomers, monomers không phản ứng, hóa chất phụ gia và hóa chất được thêm vào không chủ ý.
Do đó trong khuôn khổ cuộc họp, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã khẳng định tính cần thiết của việc nhiều quốc gia và công ty trên thế giới cùng tham gia vào hiệp ước chống ô nhiễm nhựa. Để tiến tới một tương lai bền vững và tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa và mang tính toàn diện, lợi ích của con người sẽ cần phải được đặt lên cao hơn so với lợi nhuận.
Đảo rác Thái Bình Dương là cụm rác thải tập trung nhiều mảnh vụn rác, đặc biệt là rác thải nhựa ở ngoài khơi biển Thái Bình Dương với diện tích gấp 3 lần nước Pháp. |
Theo bà Olga Speranskaya, đồng giám đốc của Health & Environment Justice Support, hiệp ước nhựa có khả năng sẽ trở thành thỏa thuận quốc tế đầu tiên với các ràng buộc về mặt pháp lý. Trong số các yêu cầu, các công ty sẽ buộc phải cung cấp thông tin về các hóa chất có trong nhựa.
Ông Chelsea Rochman, trợ lý giáo sư tại khoa sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Toronto, cho biết các ràng buộc pháp lý của hiệp ước sẽ giúp xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và trợ cấp cho tái chế sau tiêu dùng. Hiện tại, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết chỉ 8% chất thải nhựa được tái chế.
Ông Rochman nhận định thỏa thuận về chống ô nhiễm nhựa có khả năng sẽ tương đồng với Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính. Các mục tiêu đặt ra có thể xoay quanh việc giảm phát thải ô nhiễm nhựa và các vấn đề liên quan.
Ngoài Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ cũng đã kêu gọi một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý để theo dõi toàn bộ vòng đời của nhựa từ sản xuất đến thải ra môi trường. Cùng lúc đó, các hành động cần được thực hiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu để hạn chế ô nhiễm tối đa.
Hãng tin Nikkei Asia phỏng vấn bà Julia Cohen, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của nhóm vận động môi trường Plastic Pollusion Coalition cho biết hiện các chính phủ mới chỉ ban hành luật tập trung vào việc giảm thiểu, chẳng hạn như cấm các sản phẩm hoặc bao bì sử dụng một lần. Tuy nhiên, các tác động có hại mà nhựa gây ra trong suốt vòng đời của chúng, cũng như những hệ lụy mà ô nhiễm nhựa gây ra lại chưa phải chịu bất kỳ quy định nào.