Chứng nhận Halal là giấy thông hành cho sản phẩm Halal Việt Nam xuất khẩu. Ảnh minh họa. |
Tại hội thảo “Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam” ngày 14/8, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông, Châu Phi, (Bộ Ngoại giao) cho biết, nhân chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đầu tháng 8/2023 vừa qua, Tổng cục Đo lường Chất lượng quốc gia đã ký bản ghi nhớ MOU với Trung tâm Đo lường Quốc gia Iran (INSO).
“Bản MOU có nội dung tăng cường triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tiêu chuẩn hoá và đánh giá sự phù hợp về Halal, tiến tới ký kết thoả thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp về sản phẩm Halal. Đây có thể coi là thỏa thuận đầu tiên mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài trong lĩnh vực Halal”, ông Nam cho biết.
Trước đó, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp Halal ở Việt Nam, ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, giao Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối.
Ông Nam cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đã ban hành Kế hoạch Hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Đề án trong năm 2023 tập trung theo các nhóm giải pháp lớn. Đến nay, có 13 địa phương hoàn thành và đang bắt đầu triển khai Kế hoạch hành động năm 2023.
Các doanh nghiệp, địa phương cũng đã có sự chủ động kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Hồi giáo để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường cho sản phẩm như Bến Tre, Bình Phước, An Giang… “Điều này cho thấy bước đầu đã có những chuyển biến về nhận thức của địa phương, doanh nghiệp ta đối với tiềm năng của lĩnh vực Halal”, ông Bùi Hải Nam nhận định.
Tiến tới thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia
Việc cấp chứng nhận Halal có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm lĩnh vực này. Vụ trưởng Vụ Trung Đông, Châu Phi thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ/ngành liên quan để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal, dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh như UAE, Arab Saudi, Malaysia.
Bên cạnh đó, ông Bùi Hải Nam cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục trao đổi với các bên liên quan phương án xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ông Miêu Abbas, Chủ tịch tổ chức chứng nhận Halal Việt Nam. Ảnh: Phương Thảo. |
Đóng góp ý kiến vào xây dựng Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia từ góc nhìn của 1 người Hồi giáo, ông Miêu Abbas, Chủ tịch tổ chức chứng nhận Halal Việt Nam chia sẻ, văn hóa Hồi giáo và ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam có mối liên kết mật thiết với nhau. Halal trong Hồi giáo có nghĩa là được phép hay đáng chấp nhận theo quy định trong luật Hồi giáo.
“Do vậy, việc cấp chứng nhận Halal cần được đảm bảo đúng tiêu chuẩn để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Trung tâm chứng nhận của Việt Nam cần nằm trong hệ thống chứng nhận Halal thế giới, hòa cùng với mạng lưới của các nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia. Điều đó sẽ giúp tạo ra chiếc vé thông hành trong thị trường Halal toàn cầu cho Việt Nam”, ông Miêu Abbas nhấn mạnh.
Ngày 9/8, tại Tehran, Iran, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia Iran (INSO) đã thống nhất ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và công nhận, đo lường và Halal.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ nhiệm UB đối ngoại và an ninh Quốc gia Quốc hội Iran.
MoU song phương được ký kết là cơ sở quan trọng để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tiêu chuẩn hoá và đánh giá sự phù hợp về Halal, tiến tới ký kết thoả thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp về sản phẩm Halal.