'Việt Nam đang ở vị thế tốt để thu hút khối tư nhân đầu tư chuyển dịch năng lượng'

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
16:04 - 17/03/2023
Ông John Rockhold - Nhóm Công tác điện và năng lượng của VBF (PEWG). Ảnh: Quách Sơn
Ông John Rockhold - Nhóm Công tác điện và năng lượng của VBF (PEWG). Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định từ nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn doanh nghiệp khi nhìn nhận về cơ hội và không gian để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phục hồi xanh.

Việt Nam còn cơ hội và không gian để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng

Phát biểu tại Phiên Kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra ngày 17/3, ông John Rockhold - Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (PEWG) nhìn nhận, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2022, có thể kể đến việc sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh.

Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% so với mức tăng chỉ 2,58% vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 1997, một kết quả ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu cùng thời điểm có nhiều bất ổn và biến động.

"Tuy nhiên, những sự kiện và diễn biến trên toàn cầu trong năm qua càng cho thấy nhu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng. Lý do là một hệ thống năng lượng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay có thể tác động rất lớn đến mức chi phí trong nền kinh tế toàn cầu", ông John Rockhold nhấn mạnh.

Theo đại diện Nhóm công tác Điện và Năng lượng, Việt Nam không phải ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng, quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá.

PEWG cũng nhận thấy mong muốn đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng, sao cho vẫn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng còn mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo ra điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.

"Năm 2021 Việt Nam xếp thứ 65/115 quốc gia về mức độ sẵn sàng chuyển dịch năng lượng theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới với số điểm 54 - mức trung bình toàn cầu. Điều này cho thấy, Việt Nam đang còn cơ hội và không gian để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng", đại diện PEWG khẳng định.

Các dự án điện sẽ giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam

Trong năm 2023, Việt Nam đã đặt ra 4 mục tiêu cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030; tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tìm hiểu, tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp như hydro xanh, amoniac xanh và cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối của hệ thống điện quốc gia.

"Nhóm Công tác Điện và Năng lượng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ quá trình này", ông John Rockhol khẳng định.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện khung pháp lý hơn nữa để thu hút nguồn vốn cần thiết phát triển năng lượng tái tạo, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào điện than.

Một cách chi tiết hơn, theo PEWG, Việt Nam sẽ cần các dự án năng lượng khả thi cả về mặt kinh tế và tài chính. Song để đảm bảo ổn định và tăng trưởng lưới điện, Việt Nam cũng phải đảm bảo phụ tải nền đủ để giảm phụ thuộc vào than.

Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần tiếp tục xem xét, tạo khung pháp lý có thể hỗ trợ các dự án năng lượng chất lượng cao nhận được vốn từ thị trường tài chính quốc tế.

Điện gió ngoài khơi có tiềm năng trở thành một phần phụ tải cơ sở cho lưới điện quốc gia.

Điện gió ngoài khơi có tiềm năng trở thành một phần phụ tải cơ sở cho lưới điện quốc gia.

Mặt khác, điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn ở Việt Nam và trong tương lai có thể trở thành một phần phụ tải cơ sở cho lưới điện quốc gia. Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến việc phát triển trang trại điện gió lớn ngoài khơi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát triển một dự án có cơ sở hạ tầng lớn như các trang trại điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần đưa ra cơ chế và chính sách tạo sự ổn định, rõ ràng cho nhà đầu tư, Nhóm công tác Điện và Năng lượng gợi ý.

Đáng chú ý, tại phiên họp, ông John Rockhol nhấn mạnh, Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn bao giờ hết để thu hút khu vực tư nhân đầu tư và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới giảm phát thải.

"Từ góc độ phát triển kinh tế khu vực tư nhân, chúng tôi rất mong muốn các dự án điện mới sẽ giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư quốc tế lớn không chỉ mang lại lợi ích về thuế mà còn tạo ra năng lượng cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, giúp nâng cao năng lực cho các công ty Việt Nam trong tương lai với các nhà lãnh đạo có kỹ thuật và kỹ năng quản lý cần thiết

Do đó, tất cả các dự án điện mới nên thu hút sự tham gia của các công ty trong nước bất cứ khi nào có thể từ khâu lập kế hoạch đến xây dựng và vận hành cũng như hỗ trợ đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực của tổ chức", PEWG khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp