Đề xuất cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn nước ngoài

Đất Đai DOANH NGHIỆP
15:03 - 17/03/2023
Ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư - Thương mại VBF. Ảnh: Quách Sơn
Ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư - Thương mại VBF. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến đất đai tại Diễn đàn doanh nghiệp 2023 (VBF 2023), nhóm công tác Đầu tư và Thương mại và Cơ sở hạ tầng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn tại các tổ chức nước ngoài.

Sáng ngày 17/3, phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) khai mạc, thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp. 12 nhóm công tác gồm điện, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, đào tạo, du lịch, khoáng sản phát biểu về 2 nhóm vấn đề chính là kinh tế xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Trình bày tham luận tại phiên họp, ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư - Thương mại, Diễn đàn doanh nghiệp cho biết, thời gian qua có thể nhận thấy nhiều điểm cải thiện tích cực trong cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, yêu cầu bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết chuyển sang làm online.

Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ liên quan đến các Sở Công Thương, Bộ Công Thương.

"Nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Chúng tôi kiến nghị cần cải tiến, chấp nhận thủ tục điện tử để giảm bớt chi phí hành chính cho doanh nghiệp", đại diện nhóm công tác Đầu tư - Thương mại nêu.

Về các doanh nghiệp liên doanh, có nhiều doanh nghiệp liên doanh đã đến Việt Nam từ đầu thập niên 1990, đến nay, sau 30 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp cần được gia hạn. Các doanh nghiệp mong có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp yên tâm được gia hạn dự án, hợp đồng kinh doanh. Thực hiện tốt điều này cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF). Ảnh: Quách Sơn.
Toàn cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF). Ảnh: Quách Sơn.

Về khung pháp lý với đất đai và bất động sản, theo ông Trần Anh Đức, trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục.

"Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài. Rất mong các cơ quan chức năng lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp", đại diện nhóm công tác kiến nghị.

Ở góc độ tích cực, theo ông Trần Anh Đức, gần đây, có thể nhận rõ nỗ lực mạnh mẽ từ Nhà nước, đơn cử như UBND TP HCM đã lắng nghe và đưa ra danh sách 7 doanh nghiệp bất động sản cần được ưu tiên gỡ vướng. Đây là giải pháp tình thế hiệu quả trong lúc chờ sửa văn bản pháp lý.

Về nguồn vốn với bất động sản, các quy định về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản không hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến tình trạng khi có bất kỳ hình thức hay mức độ đầu tư nước ngoài nào, doanh nghiệp đều sẽ được coi là có vốn đầu tư nước ngoài, và đối mặt với các hạn chế của quy định về nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thiết lập nhiều tầng sở hữu để cố gắng giảm thiểu sự không chắc chắn này. Để phù hợp với Luật Đầu tư, doanh nghiệp có từ 50% vốn đầu tư nước ngoài trở xuống nên được coi là nhà đầu tư trong nước khi áp dụng để thực hiện đầu tư cấp độ tiếp theo.

Mặt khác, Khoản 3, Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng để kinh doanh bất động sản trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu công nghệ cao. Tuy nhiên, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gần đây nhất dường như đã xóa bỏ quyền này.

Do nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang cho thuê lại đất công nghiệp để tiến hành kinh doanh bất động sản, xu hướng thay đổi dự kiến này sẽ gây ra nhiều biến động và cản trở hoạt động đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Đáng chú ý nhất, theo đại diện nhóm công tác Đầu tư - Thương mại VBF, các công ty ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn tài chính cạnh tranh bên ngoài Việt Nam vì không thể thế chấp nhà xưởng và quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài.

"Đề nghị các cơ quan lập pháp có thể xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép các công ty ở Việt Nam thế chấp quyền sử dụng đất cho các bên cho vay nước ngoài nhằm tiếp cận đa dạng nguồn vốn khác nhau từ nước ngoài", nhóm công tác Đầu tư - Thương mại VBF kiến nghị.

Ông Trần Anh Đức cũng đề xuất, có thể quy định cho thế chấp gián tiếp qua các đại lý trung gian là ngân hàng nếu lo ngại về vấn đề an ninh, quốc phòng.

Trước đó, tại Hội thảo Lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 15/3 ở TP HCM, ông Darryl Dong, Phó giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đưa ra đề xuất doanh nghiệp được thế chấp bất động sản trực tiếp hoặc gián tiếp.

Cụ thể, nếu thế chấp trực tiếp tại các tổ chức tài chính quốc tế thì quy định thêm giới hạn để giảm rủi ro nếu không trả được nợ và vẫn đảm bảo nguyên tắc thực thể nước ngoài không được phép sở hữu bất động sản ở Việt Nam.

Nếu thế chấp gián tiếp, tổ chức tín dụng trong nước đại diện bên cho vay nước ngoài, đứng ra quản lý và xử lý tài sản thế chấp. Nguyên tắc tương tự các khoản vay trong nước. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ, tổ chức tín dụng trong nước bán tài sản thế chấp, thu lại tiền để trả bên cho vay nước ngoài.

Đại diện IFC cho biết thế chấp bất động sản là giải pháp vốn hoá đất đai đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Việc Việt Nam không có quy định này đang làm giảm nguồn tài trợ quốc tế và tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp. Hệ quả là giảm đáng kể lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp