Việt Nam kỳ vọng Qualcomm giúp công nghệ số lên tầm cao mới

Qualcomm Việt - Mỹ
11:15 - 13/05/2022
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trao thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trao thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Qualcomm đã có sự hợp tác rất hiệu quả với các công ty Việt Nam và cần thúc đẩy ở mức cao hơn, đặc biệt là đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, nhất là thiết bị 5G.

Đó là một trong những nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập trong buổi tiếp ông Alex Rogers, Chủ tịch về công nghệ và phát triển toàn cầu của Tập đoàn Qualcomm tại Washington DC, nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Hoa Kỳ ngày 12/5.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn Qualcomm đã có sự hợp tác bước đầu rất hiệu quả với các công ty công nghệ của Việt Nam. Các công ty viễn thông, công nghệ số của Việt Nam đặt nhiều niềm tin vào Qualcomm. Ví dụ như Qualcomm và Viettel vừa ký thỏa thuận về công nghệ phát triển các sản phẩm 5G.

VNPT cũng có một số hợp tác bước đầu rất tốt với Qualcomm. Hiện Việt Nam triển khai 5G diện rộng hơi chậm, một trong những lý do là vì Việt Nam muốn phát triển 5G dựa trên thiết bị 4G.

Theo Bộ trưởng Hùng, kế hoạch thành lập các phòng thí nghiệm để kiểm tra các thiết bị 5G của cả Việt Nam và nước khác sản xuất đang được triển khai. Vì vậy, mong muốn Qualcomm hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông trong xây dựng các tiêu chuẩn, các bài thử nghiệm này, không chỉ 5G mà cả 6G.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hùng cũng cho biết, hiện nay một số trường Đại học Việt Nam đào tạo những khóa kỹ sư về viễn thông với đầu ra thiết kế các thiết bị viễn thông. Ông kỳ vọng Qualcomm có thể hỗ trợ các trường Đại học của Việt Nam mở các khóa đào tạo này. ­

Về phần mình, ông Alex Rogers bày tỏ sự vui mừng về những hợp tác đã góp phần hỗ trợ cho ngành viễn thông Việt Nam phát triển. Ông đánh giá cao việc Việt Nam đã đẩy nhanh tốc độ và có tầm nhìn trong việc phát triển công nghệ 6G.

Đánh giá cao ý tưởng của Việt Nam muốn đi trước trong công nghệ 6G, ông Alex Rogers cam kết sẽ chuyển lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đến trưởng bộ phận phát triển công nghệ của Qualcomm về việc này.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác cụ thể và các khả năng tăng cường hơn nữa những dự án hợp tác, nhằm phát huy các thế mạnh, tiềm lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.

Hai bên nhất trí cùng đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm thiết bị, nhất là thiết bị 5G, kịp thời đáp ứng nhu cầu của Việt Nam và cung cấp cho thị trường thế giới.

Qualcomm đang hợp tác với các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, Mobifone, BKAV, Vinfast trong các lĩnh vực hợp tác thiết kế, phát triển và sản xuất thiết bị hạ tầng mạng lưới 5G, hỗ trợ thử nghiệm công nghệ 5G, hỗ trợ thiết kế sản xuất các thiết bị camera thông minh (AI camera), hợp tác trong các giải pháp kết nối cho xe điện và các hệ thống trạm sạc điện thông minh.

Ngoài ra, Qualcomm đang hỗ trợ thiết kế sản xuất máy tính xách tay giá rẻ cho các em học sinh trong khuôn khổ chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ, hỗ trợ các dự án nghiên cứu tại Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.