Việt Nam là cầu nối cho Liên bang Nga vào khu vực ASEAN

Hợp Tác NGA
18:56 - 06/04/2023
Việt Nam là cầu nối cho Liên bang Nga vào khu vực ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn doanh nghiệp “Việt Nam – Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”, chiều 6/4, Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra 8 lợi thế giúp Việt Nam trở thành điểm kết nối Nga với ASEAN và châu Á–Thái Bình Dương.

Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga là quan hệ đối tác truyền thống, tin cậy, chân thành, sát cánh kề vai trên con đường phát triển. Mối quan hệ song phương có nhiều điểm nhấn tích cực, trong đó hợp tác kinh tế - đầu tư tiếp tục là những trụ cột quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Phân tích khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển kinh tế năng động với nhiều tiềm năng phát triển với vị trí thuận lợi, bà Ngọc nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng, là cầu nối trung tâm kết nối Liên bang Nga với khu vực ASEAN cũng như khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 8 lợi thế quan trọng.

“Các điểm lợi thể có thể kể đến là chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao; lao động trẻ dồi dào, chi phí rẻ; chi phí sản xuất cạnh tranh; thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng với 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển; Việt Nam là đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và sâu rộng với số lượng lớn các FTA; chính sách mở cửa cạnh tranh với nhiều ưu đãi; vị trí chiến lược có nhiều thuận lợi”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập trung bình cao. Để đạt mục tiêu đó, Thứ trưởng KH&ĐT cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách quan trọng, trong đó có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

"Đối với các doanh nghiệp Nga, Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp Nga khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được tham gia góp vốn vào các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu phát triển. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nga có nhiều thế mạnh”.

Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho đến nay, đầu tư của Nga tại Việt Nam còn khiêm tốn. Tính đến tháng 3/2023, Liên bang Nga có 171 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Các dự án đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đăng ký đạt 531,2 triệu USD, chiếm 54,7% tổng vốn đăng ký đầu tư; tiếp theo là ngành dịch vụ với 203,7 triệu USD; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 131,2 triệu USD. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong rằng, các doanh nghiệp Nga có thể tiếp tục coi Việt Nam là thị trường tiềm năng để đẩy mạnh đầu tư.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Liên bang Nga đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, chiếm 7% với 171 dự án, tổng vốn còn hiệu lực là 970 triệu USD. Qua đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam luôn coi Nga là một trong các địa bàn chiến lược quan trọng.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc hy vọng doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều tăng cường hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực thế mạnh, bổ trợ cho nhau.

Nga mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực còn trống

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga Lliychev Vladimir Evgenyevich chia sẻ, nền kinh tế Nga hiện đã vượt qua nhiều khó khăn của lệnh trừng phạt. Cuối năm 2022, Nga ghi nhận nhiều chỉ số kinh tế cao hơn dự kiến. Trong đó, nông nghiệp tăng 10%; xây dựng tăng 5%; ngành khai khoáng và luyện kim đều có tăng trưởng GDP 0,2%.

“Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Nga. Chúng tôi xin được mời các doanh nghiệp Việt Nam sang Nga ‘tham gia vào các chỗ trống mà Nga đang còn như may mặc, thực phẩm, năng lượng. Những mặt hàng Việt Nam xuất sang Nga có thể khai thác thêm về các sản phẩm may mặc, thực phẩm chế biến”, ông Lliychev Vladimir Evgenyevich gợi mở.

Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga, nước này đang có những nền tảng kỹ thuật số phát triển mạnh, đây là thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Nga. Nga cũng sẽ phát triển logistics, hậu cần để tương xứng với tiềm năng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Nga đang có nhiều dự án về dầu khí, thực phẩm… và mong muốn tìm kiếm nhiều thị trường mới cho các lĩnh vực này.

Theo ông Lliychev Vladimir Evgenyevich, kim ngạch thương mại hai nước đang có tốc độ tăng trưởng tốt, 2 nước còn nhiều dư địa để thúc đẩy kim ngạch tăng trưởng hơn nữa.

Việt – Nga có chung Hiệp định kinh tế Á – Âu (EVFTA) là thuận lợi để tăng cường hợp tác trong các dự án chung: Nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, kỹ thuật số, công nghệ thông tin. Đây là các dự án mà hai nước có thể bổ sung tiềm năng, lợi thế cho nhau.

Ngoài ra, ông Lliychev Vladimir Evgenyevich cũng cho biết, Nga rất quan tâm đến kinh tế tuần hoàn và sẽ tập trung nâng cao năng lực các nhà máy của Nga ở Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.

Tin liên quan

Đọc tiếp