Việt Nam mong muốn hợp tác logistic tại châu Á với Hong Kong

logistics Hong Kong
17:12 - 18/08/2022
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu trực tuyến tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu trực tuyến tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hong Kong 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mong muốn tăng cường hợp tác Việt Nam - Hong Kong (Trung Quốc) nhằm điều phối hoạt động logistics để giải quyết tình trạng tăng giá bất thường của cước vận tải biển.

Ngày 17/8, Tổng Thương hội Trung Quốc tại Hong Kong đã phối hợp với Chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tổ chức diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh Hong Kong 2022. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đại diện Việt Nam tham dự sự kiện này. Đây là diễn đàn quan trọng để các bên cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các ý tưởng mới thúc đẩy hội nhập khu vực nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Kể từ khi Diễn đàn lần thứ nhất tổ chức tại Hong Kong năm 2012 đến nay, đã có rất nhiều thay đổi quan trọng, mang tính cột mốc trong hội nhập kinh tế khu vực Đông Á, như sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015; nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc năm 2015; ký kết Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đầu tư ASEAN - Hong Kong năm 2019 và Hiệp định RCEP năm 2021… Đây là những cột mốc quan trọng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc và động lực thúc đẩy hợp tác giữa Hong Kong với khu vực Đông Á và các nước ASEAN.

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam là nền kinh tế mở đang phát triển, rất tích cực hội nhập quốc tế. Sau khi kiểm soát và thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, Việt Nam đang từng bước khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế khi đạt mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm 2022 và dự kiến sẽ đạt mức 7% trong năm 2023, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn trong các lĩnh vực như công nghệ cao, logistics, năng lượng, vốn...

Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) với thế mạnh là trung tâm tài chính, ngân hàng của khu vực, đồng thời là cửa ngõ kết nối về thương mại, logistics giữa Trung Quốc với khu vực và thế giới thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”; “Sáng kiến Vùng Vịnh Lớn” (Hong Kong - Quảng Châu - Macao). Những nhân tố này sẽ giúp hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau, đồng thời cũng góp phần tăng cường kết nối thương mại xuyên biên giới và quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN với các nền kinh tế Đông Á.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sau đại dịch và ứng phó với những khó khăn trước mắt, Việt Nam - Hong Kong và các nền kinh tế cần tăng cường hợp tác, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực được duy trì thông suốt trong mọi hoàn cảnh, khôi phục hoạt động đi lại, giao thương giữa các nền kinh tế.

Đồng thời, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giới thiệu chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư kinh doanh; tăng cường hợp tác, điều phối các hoạt động logistics trong khu vực và thế giới nhằm giải quyết tình trạng tăng giá bất thường của cước vận tải biển và giá thuê container.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác tài chính và hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình hợp tác khu vực về xây dựng, nâng cao năng lực, cung cấp, chia sẻ thông tin thị trường và các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với quy mô hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương không ngừng mở rộng thời gian qua, nhu cầu đi lại, trao đổi, gặp gỡ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hong Kong cũng gia tăng nhanh chóng.

Xuất phát từ xu thế và nhu cầu tất yếu này, Việt Nam đề nghị chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) tạo thuận lợi cho việc cấp visa đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là visa lao động cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Hong Kong. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển bền vững.

Việt Nam và Hong Kong là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của nhau. Đến năm 2021, quy mô thương mại song phương đã đạt 13,62 tỷ USD. Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại lớn thứ 8, nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam. Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 trên thế giới, lớn thứ 2 trong ASEAN của Hong Kong.

7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hong Kong đạt 6,36 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng trưởng tới 36%.

Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này là máy tính, sản phẩm điện tử; điện thoại các loại; máy móc các loại và phụ tùng; hàng dệt may; sắt thép các loại; hàng nông sản...

Sản phẩm nhập khẩu chính từ Hong Kong gồm máy tính, sản phẩm điện tử; điện thoại các loại; máy móc các loại và phụ tùng; phế liệu sắt thép; nguyên phụ liệu hàng dệt may, da giày...

Tin liên quan

Đọc tiếp