Toàn cảnh buổi họp giao ban sáng 2/4. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Sáng 2/4, Bộ NN&PTNT tổ chức họp giao ban khối chăn nuôi quý 2 và nghe báo cáo một số kiến nghị của hội, hiệp hội ngành hàng chăn nuôi. Tại cuộc họp, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, quý đầu năm 2024, nhìn chung hoạt động chăn nuôi ổn định, về cơ bản không có biến động, tình hình dịch bệnh vật nuôi được kiểm soát…
Theo đó, quý 1/2024, mặc dù tổng đàn trâu giảm 2,5%, đàn bò giảm 0,1% nhưng sản lượng thịt trâu hơi vẫn tăng 0,36% (đạt 32.900 tấn), sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 132.500 tấn (tăng 1,5%), sản lượng sữa bò ước đạt 331.300 tấn (tăng 5,2%). Đàn lợn tăng 3,3%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1,2 triệu tấn (tăng 4,6%).
Tổng số gia cầm tăng 2,1%, sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 593.800 tấn (tăng 5,1%), sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5 tỷ quả (tăng 4,8%).
So với cùng kỳ 2023, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trong quý 1/2024 có xu hướng giảm như ngô hạt 6.827 đồng/kg (giảm 20,3%), khô dầu đậu tương 14.162 đồng/kg (giảm 4,4%), cám mì 6.026 đồng/kg (giảm 15,1%), cám gạo 5.971 đồng/kg (giảm 11,7%); DDGS 8.054 đồng/kg (giảm 18,3%).
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại thời điểm trước dịch.
Đầu năm 2024, trên cả 3 miền, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng nhanh so với thời điểm cuối năm 2023. Tính bình quân tháng 1/2024 giá đạt 53.000 đồng/kg. Trong tháng 2, giá tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg và tiếp tục tăng trong tháng 3 (giá trung bình tháng 3 đạt 58.100 đồng/kg).
Giá thịt lợn hơi trung bình quý 1/2024 cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg (tăng 9,7%) so với cùng kỳ năm 2023. Với giá bán như hiện tại, nhìn chung người chăn nuôi đang có lãi từ 5-6.000 đồng/kg, theo Cục Chăn nuôi.
Tính bình quân cả nước trong quý 1/2024, giá gà lông màu cao hơn khoảng 11.300 đồng/kg (tăng 30,8%) so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 38,2 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa là 36,8 triệu USD.
Quý đầu năm 2024, ước kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi khoảng 702 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 336 triệu USD; Sữa và sản phẩm sữa là 236 triệu USD.
Việt Nam đã nhập khẩu 518 con lợn giống cấp cụ kỵ; 1.657 con bò cái giống hướng thịt và 583.783 con gà giống bố, mẹ.
Quý 1/2024, Việt Nam nhập khẩu 4,85 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 1,65 tỷ USD), tăng 6,4% về khối lượng và giảm 12,3 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Một số nguyên liệu nhập khẩu chính như ngô hạt đạt 2,4 triệu tấn (đạt 590 triệu USD), khô dầu các loại đạt 960.000 tấn (đạt 444 triệu USD), lúa mì 618.000 tấn (đạt 153 triệu USD), DDGS 201.000 tấn (đạt 59 triệu USD), cám các loại 133.000 tấn (đạt 28 triệu USD), thức ăn bổ sung 121.000 tấn (đạt 169 triệu USD).
Kế hoạch triển khai quý 2/2024
Trong quý 2/2024, ngành chăn nuôi tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch năm 2024. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi và tận dụng những quy định mới về đất dành cho chăn nuôi tập trung theo Luật Đất đai sửa đổi.
Cụ thể, về chỉ đạo sản xuất, ngành chăn nuôi sẽ có hội nghị hướng dẫn kê khai nhà nuôi chim yến theo Thông tư 18/2023/TT-BNN&PTNT; đồng thời phối hợp xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi quốc gia để gắn mã số cho nhà nuôi chim yến.
Nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương. Tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi, trên cơ sở Dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.
Trong hợp tác quốc tế, tiếp tục triển khai dự án IFC về việc xây dựng, ban hành nguyên mẫu 2 về “Chuỗi cơ sở an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh” theo tiêu chuẩn quốc tế cho 7 tập đoàn doanh nghiệp chăn nuôi lợn của Việt Nam. Triển khai hoạt động trong Khung chương trình SSCIII do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ.
Tăng cường cơ hội hợp tác trong bối cảnh triển khai quy định của CPTPP, EVFTA; khảo sát đánh giá thị trường, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đến một số nước trong khối ASEAN, khu vực châu Á, châu Mỹ, EU...