Theo Space, siêu trăng sấm, cách gọi trăng tròn tháng 7 của các nước Âu - Mỹ, sẽ đạt điểm gần Trái Đất nhất vào 9 giờ sáng ngày 13/7 theo giờ GMT, tức 16 giờ chiều 13/7 theo giờ Việt Nam.
Còn theo NASA, thời điểm này sẽ vào lúc 17 giờ chiều nay (theo giờ Hà Nội). Khi đó, Mặt Trăng sẽ chỉ còn cách Trái Đất khoảng 357.264 km, đây là vị trí gần Trái Đất nhất của Mặt Trăng trong năm 2022, khiến cho siêu trăng tháng 7 trở nên lớn, tròn và sáng hơn bình thường.
Còn theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), pha trăng tròn sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 14/7, khoảng 1h38’ (theo giờ Việt Nam). Đây là thời điểm mặt trăng nằm ở vị trí xung đối với mặt trời nên toàn bộ bề mặt của Mặt Trăng sẽ được chiếu sáng. Tuy vậy, hiện tượng này hoàn toàn có thể quan sát được vào chiều tối hôm trước (ngày 13/7), do mắt thường sẽ không phân biệt được mặt trăng chưa tròn tuyệt đối.
Bên cạnh đó, thời điểm diễn ra siêu trăng vừa vặn vào hoàng hôn, nên người dân Việt Nam có thể ngắm siêu trăng sấm “ảo ảnh” lớn nhất trong năm do bóng hoàng hôn đổ xuống kết hợp với mặt trăng mới mọc sẽ tạo ra hiện tượng "ảo ảnh mặt trăng" khiến mặt trăng to và huyền ảo hơn.
Hiện tượng này hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường, tuy nhiên còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Đặc biệt là thời gian gần đây, Việt Nam đang phải chịu mưa lớn ở cả ba miền do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới.
Trước đó, ngày 14/6, Việt Nam cũng đã đón "siêu trăng dâu khổng lồ" trên nền trời.
Ngoài ra, trong tháng 7 này, người yêu thiên văn còn có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Delta Aquarids. Theo HAS, đây là trận mưa sao băng trung bình, diễn ra từ ngày 12/7 đến 23/8 hàng năm. Hiện tượng này đạt cực đại vào đêm ngày 28/7, rạng sáng ngày 29/7 với tần suất khoảng 20 vệt sao băng/giờ.
Còn theo sách niên giám Old Farmer's Almanac, thế giới sẽ đón thêm một lần nguyệt thực toàn phần và một lần nhật thực bán phần trong năm 2022. Nhật thực bán phần sẽ diễn ra vào ngày 25/10, khi khi Mặt Trăng đi qua phía trước Mặt Trời và chặn một phần ánh sáng của ngôi sao này. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ có thể quan sát từ Greenland, Iceland, châu Âu, đông bắc châu Phi, Trung Đông, Tây Á, Ấn Độ và phía tây Trung Quốc.
Cùng với đó, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ có thể quan sát ở châu Á, Australia, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ vào ngày 8/11.