Việt Nam trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 thế giới

VIFOREST XUẤT KHẨU
07:00 - 15/12/2021
Dự tính năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020.
Dự tính năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi với Mekong Asean, ông Ngô Sỹ Hoài Phó Chủ tịch Viforest nhận định, ngành gỗ đã có kết quả khả quan trong năm 2021 đưa Việt Nam trở trung tâm chế biến về xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 11/2021 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 20,9% so tháng 10/2021, nhưng giảm 7,4% so với tháng 11/2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 840 triệu USD, tăng 35,4% so với tháng 10/2021, nhưng giảm 17,3% so với tháng 11/2020.

Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Động lực tăng trưởng của ngành gỗ tập trung lớn vào nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ. Trị giá xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 67,6% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), đến thời điểm tháng 12/2021, tình hình sản xuất đã trở lại bình thường và các doanh nghiệp ngành gỗ đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu đã ký.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự tính cả năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020, hoàn thành 98,7% mục tiêu đề ra cho năm 2021.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định với MEKONG ASEAN rằng, tuy kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể đạt được 14,5 tỷ USD như đã đề ra, nhưng năm nay, kết quả ngành gỗ không đạt được như kỳ vọng.

Ảnh tác giả

“Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, xuất khẩu ngành gỗ có thể tăng 40 – 50% và sớm cán đích mong muốn, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 20 tỷ USD trong năm 2025. Tuy nhiên, so với các ngành khác thì kết quả như vậy là có thể chấp nhận được"

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, nguyên nhân khiến cho ngành gỗ không đạt mục tiêu xuất khẩu xuất phát từ ba thách thức lớn do đại dịch gây ra mà đến giờ vẫn chưa khắc phục được.

Khó khăn hàng đầu được Phó Chủ tịch Viforest chỉ ra là nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng cao.

Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 5,9 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trị giá khoảng 2 tỷ USD. Nhập khẩu gỗ về khối lượng tăng 7% và tăng 22% về giá. Con số này cho thấy giá nguyên liệu đã tăng nhiều.

Bên cạnh đó, nguồn lao động ngành gỗ vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn. Đây là ngành vốn cần sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp tập trung nhiều ở khu vực TP.HCM và Bình Dương cũng là những địa phương đang đang thiếu nguồn nhân công.

Chi phí vận tải vẫn đang là điểm nóng, chưa có dấu hiệu cải thiện là khó khăn thứ 3 đối với các doanh nghiệp ngành gỗ theo như nhận định của Phó chủ tịch Viforest.

“Trước đây, cước phí vận tải tăng cao được giải thích là do thiếu container rỗng, còn hiện nay, các hãng vận tải lại cho rằng do nhu cung – cầu lớn, các cảng tắc nghẽn, chi phí nhân công lớn. Cước tàu biển đang được đánh giá tăng đột biến, tăng gấp nhiều lần”, ông Hoài cho biết.

Tuy nhiên, ông Hoài đánh giá rằng ngành gỗ đã có đà tăng trưởng tốt, đưa Việt Nam trở trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc trong năm 2021 và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Ảnh tác giả

“Ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào những triển vọng trong thời gian tới với các lợi thế: nhân công có tay nghề, giá rẻ; nguyên liệu trong nước dồi dào; công nghệ thiết bị đang ngày càng cải tiến. 2022 sẽ là một năm tiếp tục tăng trưởng của ngành gỗ, tốc độc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh”.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest

Đưa ra những dự báo cho các doanh nghiệp về 4 nhóm sản phẩm sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Viforest nhận định, đồ mộc nội – ngoại thất giá trị cao nhất, chiếm 75 – 80% sản lượng xuất khẩu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhóm thứ hai có khả năng tăng trưởng cao là dăm gỗ, do thế giới đang có xu hướng sử dụng giấy bao bì thay cho plastic và nhựa để bảo vệ môi trường.

Nhóm thứ ba là ván công nghiệp, sản phẩm này có nhu cầu mạnh ở các thị trường lớn và ngành gỗ Việt Nam đã có định hướng tăng tốc để chế biến xuất khẩu.

Nhóm thứ tư là viên nén gỗ làm năng lượng sinh khối. Đây là nhóm sản phẩm mới nổi nhưng có nhiều tín hiệu tích cực. Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 3 triệu tấn viên nén gỗ và có thể tăng tốc trong thời gian tới nhờ vào sự cải tiến công nghệ và hệ thống nhà xưởng nhiều.

“Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của nhóm sản phẩm này còn tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của các quốc gia trong việc cắt giảm phát thải. Hiện nay, viên nén gỗ chủ yếu là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản để chạy máy phát điện, thời gian tới sẽ xuất khẩu sang châu Âu nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch”, ông Hoài cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp