Tổng kết năm 2021, theo đánh giá của Bộ Công thương, thành công lớn nhất của ngành chính là có thể duy trì sản xuất công nghiệp vững vàng, vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy xuất khẩu năm 2021 về đích ngoạn mục.
Sản xuất công nghiệp vững vàng vượt qua đại dịch
Năm 2021, dù bị ảnh hưởng chưa từng có bởi Covid-19, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, sản xuất bị đình trệ trong thời gian dài nhưng sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng trưởng của năm trước. Quy mô sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục được mở rộng.
Ảnh minh họa |
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của toàn ngành, đóng vai trò tích cực vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ cùng cả nước thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid -19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 4,82% so với năm 2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đóng góp 63,8% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt trong đại dịch
Một trong những thành công của Bộ Công thương trong năm 2021 chính là việc duy trì thông suốt chuỗi cung ứng trong làn sóng dịch thứ 4, đặc biệt trong thời kì giãn cách, vừa đảm bảo phòng dịch, vừa không để hàng hóa bị tắc nghẽn, có thể đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Thông qua việc sớm thành lập “Ban chỉ đạo tiền phương” tổ chức lực lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các “Tổ công tác đặc biệt” để kịp thời hỗ trợ, duy trì sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng ngay khi nhận ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do tốc độ lây lan nhanh của virus.
Ảnh minh họa |
Nhờ vậy ngành đã cùng các Bộ, ngành, địa phương cơ bản cung ứng kịp thời, khá đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã nhanh chóng khai thác các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội.
Xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, giải tỏa ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu. Và có những đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh trong tình hình dịch bệnh phức tạp và trong thời kỳ hồi phục sau đại dịch.
Thương mại điện tử - cơ hội không biên giới cho doanh nghiệp
Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh về thị phần bán lẻ trực tuyến, thuộc top 3 của khu vực Đông Nam Á. Năm 2021, TMĐT Việt Nam đã ghi dấu mốc “lần đầu tiên” với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong đó thương mại điện tử trở thành kênh phân phối chính, phát huy hiệu quả ngay lập tức hỗ trợ người dân mua các các sản phẩm cần thiết thông qua các sàn giao dịch, góp phần lớn duy trì chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách.
Nông sản Việt Nam trên sàn TMĐT |
Lần đầu tiên hàng chục loại nông sản, trái cây đặc sản của các vùng miền như xoài, mận Sơn La, lê thơm Tai Nung - Lào Cai, vải thiều Hải Dương, vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên… được phân phối trên các sàn TMĐT thông qua các “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”. Với thành tích tiêu thụ hàng nghìn tấn, hoạt động từ các sàn TMĐT đã giúp đỡ người dân vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh.
Việc ra mắt “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com đã tập hợp được nhiều sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Đây là gian hàng quốc gia đầu tiên của Việt Nam được mở trên nền tảng trực tuyến tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Bộ Công thương chủ trì triển khai. Sự kiện này mở ra hướng đi mới và cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Xúc tiến thương mại trên môi trường số
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị ảnh hưởng, Bộ Công thương đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Bộ đã triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện các phiên giao thương và XTTM trực tuyến.
Ảnh minh họa một hội nghị xúc tiến thương mại |
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng trực tiếp tổ chức 5 hội chợ, triển lãm trực tuyến tại Việt Nam với sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng trăm triển lãm, hội chợ quốc tế ở nước ngoài dưới hình thức trực tuyến hoặc từ xa.
Việc đẩy mạnh các hoạt động XTTM trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 2 năm qua.
Hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, tiền điện được giảm trong 5 đợt với gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng chính là cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ sở y tế…
Đây là sự nỗ lực nhằm góp phần chung tay cùng với cả nước phòng, chống dịch bệnh, giảm bớt khó khăn với người dân, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để sớm vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Khai thác dầu về đích sớm 42 ngày
Ngành khai thác dầu khí hoàn thành chỉ tiêu khai thác 7,99 triệu tấn dầu của năm 2021, về đích trước thời hạn 42 ngày.
Để có được kết quả này, ngành đã tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ các giải pháp nâng cao thu hồi dầu giúp sản lượng khai thác dầu khí đạt tối đa trong điều kiện an toàn kỹ thuật cho phép.
Đồng thời, ngành cũng tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn giá dầu tăng, đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước, với 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm 2021 và vượt 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD, trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid 19.
Trong năm 2021 có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020 và 35 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường trên thế giới, cũng như có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…
Tận dụng các Hiệp định FTA nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong đại dịch
Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo ra những động lực đổi mới trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân.
Sơ đồ các FTA của Việt Nam |
Việc ký kết và thực thi các FTA với những đối tác đã giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng hơn 9 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên hơn 53 tỷ USD trong năm 2020.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của ta sang các thị trường đối tác FTA của ASEAN cũng đạt được những bước tăng trưởng đáng kể, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng lớn nhất (15 lần) sau hơn 15 năm; kế đến là xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc (tăng 6 lần), Ấn Độ (tăng 5,2 lần), Nhật Bản (tăng 3 lần)...
Đối với Hiệp định EVFTA, sau 1 năm thực thi đã đem lại những kết quả rất khả quan như thương mại hai chiều đạt 54,6 tỷ USD, tăng trưởng 11,9%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,71 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của Liên minh châu Âu theo EVFTA.
Bên cạnh đó, Hiệp định UKVFTA đã được thực thi kể từ đầu năm 2021, giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU.
Hiệp định UKVFTA đã trải qua gần 1 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh COVID-19 phức tạp. Trong 10 tháng của năm 2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,5 tỷ USD, theo đó xuất khẩu hàng hóa sang Anh đạt 4,735 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh đạt 706 triệu USD, tăng 25,3%.
Lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa
Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1163/QĐ-QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa.
Nhằm phát triển hoạt động thương mại trong nước không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, gắn liền với hiệu quả đầu tư và phát triển sản phẩm, thương hiệu Việt, trên cơ sở phát huy nội lực của thị trường trong nước với tầm nhìn đến năm 2045.
Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật
Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.
Ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã bảo vệ công ăn việc làm của gần 150.000 người lao động.