Vietcombank chuẩn bị phát hành 2,77 tỷ cổ phiếu giữ ngôi vương vốn điều lệ ngành

Cổ Phiếu VIETCOMBANK
13:08 - 30/01/2023
Ảnh: Quách Sơn
Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Nếu phương án phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu thành công, Vietcombank sẽ trở thành quán quân về vốn điều lệ ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - HoSE: VCB) vừa công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018.

Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa 2.768.522.194 cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ thêm tối đa 58,4%. Vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 47.325 tỷ đồng, mức vốn tối đa nếu phát hành thành công của ngân hàng là 75.000 tỷ đồng.

Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện nay, quán quân vốn điều lệ ngân hàng thuộc về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với vốn điều lệ trong Giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank là hơn 67.434 tỷ đồng. Như vậy, nếu phương án phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu VCB thành công, Vietcombank sẽ trở thành quán quân về vốn điều lệ ngành ngân hàng.

Chia sẻ về dự định tăng vốn điều lệ, Vietcombank cho biết việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực. Hiện, vốn điều lệ của Vietcombank là thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.

Bên cạnh đó, Vietcombank đánh giá việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm này là khá thách thức. Do đó việc thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư của Vietcombank vẫn chưa hoàn thành và đang tiếp tục xúc tiến.

Ngân hàng cũng cho biết giải pháp phát hành trái phiếu tăng vốn cũng gặp khó khăn do đối mặt với xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng và gây áp lực gia tăng chi phí vốn của Vietcombank.

Với vai trò là ngân hàng thương mại lớn góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đặc biệt là có đủ nguồn lực tích cực tham gia phương án tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank cho biết cần bổ sung vốn để trở thành ngân hàng thương mại Nhà nước có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Vietcombank như vào một số lĩnh vực: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém;...

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu VCB giao tại mức 92.000 đồng/cp, hồi phục đáng kể so với vùng đáy 62.000 đồng/cp thời điểm giữa tháng 10/2022, thậm chí đang tiến gần về mốc đỉnh 96.000 đồng/cp thiết lập được cuối tháng 1/2022.

Về kết quả kinh doanh, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 của Vietcombank ngày 9/1/2023, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho biết, thu nhập ngoài lãi năm 2022 của ngân hàng tăng khoảng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022. Thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt khoảng 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022, các chỉ số sinh lời đều duy trì ở mức cao (Chỉ số ROAA và ROAE lần lượt 1,84% và 24,25%). Các công ty con của ngân hàng cũng tiếp tục hoạt động hiệu quả với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 976 tỷ đồng; trong đó có 5/9 công ty hoàn thành trên 100%.

Trong năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9% so với năm 2022, huy động vốn trên thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ LDR không cao hơn mức thực hiện năm 2022, lợi nhuận tăng tối thiểu 12%, tín dụng tăng 12,8% so với năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp