Thiếu tướng Lê Đăng Dũng trình diễn tham luận tạiDiễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 3. |
Đủ 4 "điều kiện cần"
Trong Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 mới đây ngày 11/12, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Định hướng tiếp theo của Viettel là tiếp tục phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất được chipset 5G tại Việt Nam, đồng thời bắt đầu tham gia nghiên cứu công nghệ 6G. Trước mắt chúng tôi bắt đầu nghiên cứu đặt nền móng cho công nghệ vũ trụ, đầu tiên là hệ thống vệ tinh viễn thám".
Thông tin chính thức này của Viettel đã gây chú ý đặc biệt với nhiều ý kiến trái chiều. Trước khi Viettel bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, tại Việt Nam đã có nhiều người nghĩ tới, thậm chí cũng thử sức nhưng đều thất bại. Về điều này, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cũng từng có những chia sẻ với báo chí trước đó.
Theo ông Dũng, để nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông thành công thì phải đảm bảo ít nhất 4 yếu tố: Tiềm lực công nghệ (cả tiềm lực con người), tài chính mạnh, mối quan hệ sâu rộng với đối tác công nghệ tầm quốc tế và thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam từng nghĩ đến lĩnh vực này lại thiếu một, hai yếu tố, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Vì vậy, đa số họ đều không thành công và phải quay lại hướng lắp ráp gia công, hợp tác với nước ngoài.
Trong khi đó ông Dũng khẳng định, Viettel có đủ các điều kiện nói trên. Đặc biệt, tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao là viễn thông công nghệ thông tin nên nguồn lực con người, hiểu biết về công nghệ thông tin trở thành thế mạnh cốt lõi.
“Sau quá trình làm cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính của chúng tôi đã mạnh lên, mối quan hệ với các đối tác nước ngoài rất nhiều, bao gồm cả các đối tác hợp tác dịch vụ và đối tác hợp tác về thiết bị viễn thông CNTT. Việt Nam là đất nước trăm triệu dân, là thị trường nội địa tốt để nghiên cứu thiết bị dùng cho chính mình. Viettel đã đầu tư vào 10 quốc gia, sở hữu thị trường quốc tế đủ lớn, đủ rộng để tiêu thụ sản phẩm mình làm ra”, ông Dũng chia sẻ trên ICT News.
Còn tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3, người đứng đầu Viettel tiếp tục nhấn mạnh, trong nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, Viettel luôn xác định phải là người thiết kế hệ thống, tích hợp hệ thống, phải làm chủ các công nghệ lõi; không dừng ở mức gia công, lắp ráp, sản xuất theo giấy phép của nước ngoài.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định Viettel có đủ tiềm lực để nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông. |
Khát vọng ngang tầm thế giới
Vào các giai đoạn đầu, Viettel thường tập trung vào phát triển phần mềm bởi đây là lõi của sản phẩm và thế mạnh của Việt Nam. Sau đó mới tiến tới làm chủ phần cứng và cuối cùng là phải làm chủ chipset. Theo ông Dũng, chipset là công nghệ lõi của tất cả các sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin, chỉ khi nào làm chủ được công nghệ lõi này thì mới làm chủ được hoàn toàn sản phẩm, có cơ hội vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, vấn đề an ninh an toàn của quốc gia đang được đặt lên rất cao trong một thế giới nhiều bất ổn như hiện tại. Chỉ khi tự làm ra thì chúng ta mới có hệ sinh thái sản phẩm đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia.
Thời điểm hiện tại, Viettel đã làm chủ 3 lớp gồm lõi, truyền dẫn và truy nhập với hạ tầng 4G. Về mạng 5G, Tập đoàn đã phát triển thành công thiết bị thu phát, tám thu tám phát và làm chủ thiết kế 2 dòng chipset 5G. Viettel cũng đã có 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 9 bằng tại quốc tế cùng hàng trăm bằng đang nộp khác.
Với nền tảng đó, ngoài kế hoạch nghiên cứu công nghệ 6G và hệ thống vệ tinh viễn thám, Viettel còn đặt ra mục tiêu vào năm 2025 sẽ dẫn đầu Việt Nam và top 5 thế giới về đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa các thiết bị hạ tầng viễn thông, trọng tâm là thiết bị 5G, IoT…
Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, khát vọng chính là động lực lớn lao để Viettel theo đuổi những mục tiêu trên. “Nếu chúng ta tiếp tục đi sau thì mãi mãi sẽ đi sau. Thế giới trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta đều đi sau và tụt hậu. Cho nên, trong cuộc cách mạng 4.0 này, mong muốn lớn nhất là chúng ta đi ngang bằng với thế giới. Những câu chuyện này đều xuất phát từ khát khao về sự hùng cường của đất nước”, người đứng đầu Viettel cho biết.
6G là gì? Năm 2020, một tập đoàn của Hàn Quốc đã xuất bản tài liệu về mạng 6G, trong đó phác thảo các nguyên tắc cơ bản của các mạng thế hệ tiếp theo. Theo đó, thế hệ mạng di động mới cung cấp tốc độ kết nối lên đến 1 terabit/giây với độ trễ dưới 1 micro giây. 6G sẽ cung cấp tốc độ tải xuống nhanh hơn 50 lần so với 5G hiện đang được triển khai và giảm độ trễ xuống 10 lần. Theo trang tin PCMag, mạng di động thế hệ mới dùng mã hóa kỹ thuật số tiên tiến mà các dòng máy tính cũ không thể làm được. Ngoài ra, mạng 6G cũng sẽ có băng tần, độ phủ sóng rộng hơn và hoạt động thông minh hơn. Hiện, rất nhiều đơn vị tham gia vào nghiên cứu và phát triển mạng 6G trên toàn thế giới. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến dự án “6Genesis” được đặt ở Oulu – Phần Lan trị giá 251 triệu Euro. Tại Anh, một dự án liên quan đến 6G là 6G Innovation Centre. Ngoài ra, 2 “ông lớn” Nokia và Samsung cũng đang dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển mạng 6G tại Châu Âu và Hàn Quốc. Đáng chú ý, vào tháng 11/2020, Trung Quốc đã phóng vệ tinh 6G đầu tiên lên không gian. Đây được coi là một bước tiến công nghệ của nước này nói riêng và nhân loại nói chung. |