Vĩnh Hoàn muốn đưa cá tra lên bàn sushi

VHC Việt nAM
11:26 - 21/04/2022
Vĩnh Hoàn muốn đưa cá tra lên bàn sushi
0:00 / 0:00
0:00
Tại đại hội đồng cổ đông của CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) diễn ra ngày 20/4, chủ tịch doanh nghiệp này là bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết Vĩnh Hoàn đang tiên phong nghiên cứu để có thể đưa cá tra lên bàn sushi.

Cụ thể, trong năm 2022, Vĩnh Hoàn sẽ đầu tư khoảng 1.530 tỷ đồng cho các dự án, như xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi (100 tỷ đồng); xưởng chế biến bột cá – mỡ cá và cải tạo nhà máy tại công ty Thanh Bình (350 tỷ đồng); đầu tư thêm 1 line sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại công ty Vĩnh Hoàn Collagen (150 tỷ đồng); đầu tư cho nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc (500 tỷ đồng), cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn và Sa Giang (150 tỷ đồng); mở rộng vùng nuôi (280 tỷ đồng).

Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết nhà máy Vĩnh Phước hiện đã đầu tư xong, đang sản xuất cá tra. Nhà máy này có phân xưởng để làm sushi cho thị trường Nhật Bản không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp công nhân nâng cao trình độ.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn dự kiến trong vòng 3 năm có thể đẩy 100% công suất cho xưởng này, mục tiêu hướng tới sản phẩm ăn liền từ cá tra và cá hồi. Ngoài ra, VHC cũng đang tiên phong nghiên cứu để đưa sản phẩm thịt cá tra lên bàn sushi. “Nếu một ngày cá tra được bày lên bàn sushi, thì tôi có thể vỗ ngực xưng tên đã đạt đến đỉnh cao của ngành", bà Khanh nói thêm.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vĩnh Hoàn vừa diễn ra vào ngày 20/4. Ảnh: vietstock.vn;

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vĩnh Hoàn vừa diễn ra vào ngày 20/4. Ảnh: vietstock.vn

Ngoài dòng sản phẩm chính, Vĩnh Hoàn cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng các sản phẩm từ gạo thương hiệu Sa Giang. Chia sẻ thêm về Sa Giang, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết khi công ty mua Sa Giang, đơn vị này cũng vừa hoàn tất nhà máy số 3 sản xuất các sản phẩm từ gạo với năng suất tăng gấp đôi. Sản phẩm từ gạo là 6.700 tấn/năm, bánh phồng tôm là 10.000 tấn/năm, Động lực tăng trưởng nữa là Sa Giang sẽ bán thêm các sản phẩm từ gạo khác như phở, bún khô.

Bà Tâm cũng cho biết, nhà máy thức ăn thủy sản của VHC gần như đã hoàn tất, trong 2 – 3 tuần nữa sẽ đi vào hoạt động. Trong năm 2022, VHC sẽ tập trung vào nhà máy chế biến thức ăn và mở rộng vùng nuôi, kỳ vọng tăng lên 100ha trong năm nay. Ngoài ra, đối với các nhà máy hiện hữu, cũng sẽ cải tạo lắp đặt để gia tăng công suất.

Về dây chuyền sản xuất Collagen, VHC hiện đã thực hiện đầy đủ công suất nhà máy Galetin. Năm 2022, VHC cũng đang lên kế hoạch tiếp tục “full” công suất cho dòng sản phẩm Collagen.

Phát hành cổ phiếu ESOP trong năm nay

Tại đại hội đồng cổ đông, VHC cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 40%. Trong đó, 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Ngoài ra, coogn ty dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Số lượng phát hành không quá 2% vốn điều lệ của công ty tại thời điểm phát hành. Tổng giá trị cổ phần tối đa theo giá phát hành gần 37 tỷ đồng.

Số cổ phần mà cán bộ công nhân viên được sở hữu từ chương trình ESOP sẽ được chuyển nhượng 100% trong vòng 5 năm. Tổng số lượng cổ phiếu đã phát hành tại thời điểm thông qua phương án là 183.376.956 cổ phiếu. Thời điểm phát hành được quy định là trước ngày 31/12/2022.

Thông qua các tờ trình đã công bố

Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán của Vĩnh Hoàn, với doanh thu thuần đạt 9.054 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2020. Giá vốn hàng bán đạt 7.298 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.106 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020.

Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất; lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng. Trước đó, tại kế hoạch công bố trong tài liệu đầu tháng 4, kế hoạch lợi nhuận sau thuế của VHC là 1.500 tỷ đồng.

Đại diện công ty chia sẻ, VHC rất lạc quan khi thấy nhu cầu tăng trưởng tốt của thị trường do thiếu nguồn cung, đơn hàng về nhà máy khá tốt để phục vụ cho nhu cầu mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, khách hàng ở thị trường Châu Âu và Mỹ tiêu thụ khá tốt. Do đó, Vĩnh Hoàn đã điều chỉnh tăng trưởng lợi nhuận 2022 lên 1.600 tỷ đồng.

Theo Vĩnh Hoàn, năm 2022 được xác định là cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng đã được khởi công từ năm trước và một số dự án khác để tăng tốc cho chiến lược 5 năm 2021 – 2025, với mục tiêu tăng gấp đôi định giá công ty, đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2025.

Công ty lên kế hoạch phát triển mạnh mẽ nghề cốt lõi là nuôi và chế biến cá, vượt mốc 1.000 tấn nguyên liệu /ngày.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường trong thời gian tới, phía Vĩnh Hoàn chia sẻ thị trường Hoa Kỳ có vụ kiện chống bán phá giá cá tra, đây là lợi thế cạnh tranh lớn của VHC. Về thị trường châu Âu có lợi thế về nhu cầu thủy sản tăng mạnh trước tác động của chiến tranh Nga – Ukraine. Ngoài ra, cá tra xuất khẩu sang châu Âu còn có lợi thế về thuế khi thuế nhập khẩu đối với các loại cá trắng đang giảm dần về 0% (trước đây là 5,5%).

Trong khi đó, theo bà Trương Thị Lệ Khanh, thị trường Trung Quốc có xu hướng dài hạn là mua mặt hàng thủy sản của Việt Nam về rồi sau đó mới chế biến, sản xuất. Theo kỳ vọng, thời gian tới nhu cầu cá thô từ Trung Quốc vẫn rất lớn, đặc biệt khi nước này hoạt động trở lại sau dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.