VN-Index được ‘cứu’ vào phút chót, khối ngoại bán ròng mạnh

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
15:57 - 23/02/2023
VN-Index rút chân ngoạn mục vào cuối phiên.
VN-Index rút chân ngoạn mục vào cuối phiên.
0:00 / 0:00
0:00
Với việc rút chân hơn 20 điểm chỉ trong 40 phút cuối phiên, VN-Index đã được giải cứu ngoạn mục khỏi một phiên đỏ lửa. Khối ngoại vẫn giao dịch tiêu cực với lực bán ròng ngày càng mạnh.

VN-Index kết phiên giảm nhẹ 0,6 điểm về mốc 1.053,66 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,6 điểm còn UPCoM giảm 0,05 điểm. Đây là kết quả khiến nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm bởi ngay từ đầu phiên sáng, chỉ số đã giảm mạnh, đến đầu phiên chiều VN-Index còn mất tới hơn 20 điểm.

Thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt gần 13.000 tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua bán sôi động với hơn 4.000 tỷ đồng. Họ tiếp tục bán ròng và lực bán ròng mạnh hơn với giá trị gần 700 tỷ đồng.

3 mã bị bán ròng mạnh nhất là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (82 tỷ đồng) và bộ đôi VHM, VRE (cùng bị bán ròng 79 tỷ đồng). VND, HPG, SSI cùng bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có CTG, HSG, HDB, DPM, DGC…

Chiều ngược lại, HCM được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ 12 tỷ đồng. Còn lại, dòng tiền ngoại mua ròng rải rác dưới 10 tỷ đồng ở các mã STB, NT2, GMD, POW, DHG…

Thị trường “quay xe” đột ngột nên rất nhiều mã đang trong trạng thái giảm sâu đã chuyển xanh khi kết phiên, nếu nhà đầu tư bắt đúng đáy trong phiên thì tài khoản đã lãi ngay 5-7%. Trong đó, nhóm tài chính nhận được lực cầu tốt nhất.

Tại nhóm chứng khoán, lực kéo đến từ SSI +2,1%, VND +1,4%, VCI +3%, HCM +3,5%, BSI +2,8%... Đáng chú ý có PHS của Chứng khoán Phú Hưng tăng 12,7%. Cổ phiếu này vốn có lịch sử giao dịch với biên độ lớn, khi tăng thì mạnh nhưng khi giảm cũng tương ứng.

Nhóm ngân hàng được kéo về sắc xanh nhờ ACB +2,2%, BID +1,2%, CTG +0,3%, STB +1,2%, TCB +1,6%, TPB +1,9%, VIB +2,4%, VCB +0,3%... Tăng mạnh nhất là VBB của Vietbank với tỷ lệ +8,6%.

Nhóm thép cũng tích cực nhờ HPG +1,4%, HSG +5,3%, NKG +3%, SMC +1,4%... Ngược lại, các nhóm ở chiều giảm là nông nghiệp, thủy sản, bất động sản, bảo hiểm, xây dựng, công nghệ thông tin.

Tại nhóm bất động sản, VRE là gánh nặng nhất khi giảm 5,7%. VHM, NVL, KDH, KBC, NLG, PDR, TCH… đều ở chiều giảm nhưng tỷ lệ chênh lệch chỉ trên dưới 1%.

Về các cổ phiếu gây chú ý thời gian qua, HQC của Địa ốc Hoàng Quân vẫn tăng tốt với tỷ lệ +5,5%. Tuy khối lượng khớp lệnh không đột biến như hôm qua nhưng vẫn nằm trong top các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường, với gần 21 đơn vị được trao tay.

VNZ của CTCP VNG giảm 2% về giá 970.000 đồng/cp. So với mức đỉnh gần 1.220 đồng chỉ cách đây hơn 1 tuần, cổ phiếu này đã giảm 20%.

Với phiên điều chỉnh mạnh hôm qua (22/2), bức tranh kỹ thuật của VN-Index đã trở nên tiêu cực hơn khi chỉ số này đánh mất ngưỡng 1.075 điểm (MA20). Tuy vậy, với việc chỉ số hôm nay giữ được ngưỡng 1.055 điểm (MA50) và phía dưới là hỗ trợ 1.040 điểm (MA100) thì có thể thấy đây là ngưỡng hỗ trợ khá vững chắc; lực cầu giá thấp trong phiên tiếp theo có thể giúp chỉ số hồi phục trở lại.

Theo góc nhìn ngắn hạn, VN-Index vẫn đang ngoài vùng downtrend trung hạn và đang vận động trong kênh tăng giá ngắn hạn, nhưng rủi ro gãy trend tăng cao dần nếu thị trường không có những nỗ lực phục hồi sớm.

Tin liên quan

Đọc tiếp