VNDirect: Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và gỗ gặp khó, hóa chất kỳ vọng tốt

XUẤT KHẨU Việt nAM
12:04 - 04/12/2022
VNDirect: Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và gỗ gặp khó, hóa chất kỳ vọng tốt
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán VNDirect, biến động thời gian qua cùng với nhu cầu tiếp tục giảm tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vào năm 2023 sẽ tác động lên các ngành sản xuất liên quan đến xuất khẩu chủ lực, bao gồm dệt may, gỗ và hóa chất.

Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 mới công bố, các chuyên gia CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu kể từ tháng 8. Cả Mỹ và EU đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng, việc làm và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng là “đã thoát đáy” (doanh số bán lẻ kém khả quan trong ngày “độc thân 11/11”, ngày lễ mua sắm lớn nhất hàng năm).

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý IV/2022 và kéo tăng trưởng cả năm 2022 xuống mức 14% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chúng tôi dự báo nhập khẩu sẽ tăng 12% trong năm 2022, mang lại thặng dư thương mại 10,4 tỷ USD (so với mức thặng dư thương mại 3,3 tỷ USD của năm 2021)”, báo cáo nêu.

Các chuyên gia VNDirect cho rằng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên quan đến xuất khẩu, bao gồm: dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ và hóa chất cơ bản (các ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam).

Dệt may: Chờ phục hồi trong năm 2024

Trong quý III/2022, tổng lợi nhuận ròng của các công ty dệt may đang niêm yết tăng 61,3%, ghi nhận giảm 32,2% so với quý trước do ảnh hưởng của lạm phát cao và rủi ro suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính.

Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may tăng nhẹ 0,3 điểm % chủ yếu nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Bên cạnh đó, chi phí tài chính của các công ty dệt may tăng vọt 126,9% so với cùng kỳ năm 2021 do lỗ tỷ giá từ nhập khẩu nguyên vật liệu và nợ vay bằng USD.

Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận ròng của ngành trong 9 tháng đầu năm 2022 lượt tăng 23,6% và 41% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, một số công ty dệt may đã ghi nhận khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá do đồng Euro suy yếu.

Ảnh: Báo cáo của VNDirect

Ảnh: Báo cáo của VNDirect

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng tốt 17,3% trong 9 tháng 2022 nhưng bắt đầu chậm lại trong quý III/2022 (-2,9% so với quý trước). Các chuyên gia VNDirect cho rằng, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc, sẽ giảm hơn nữa vào năm 2023.

“Theo nghiên cứu thị trường của chúng tôi, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm kể từ tháng 7/2022 do lượng hàng tồn kho cao tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike… Theo báo cáo hàng quý mới nhất, Adidas và Nike có mức tăng mạnh 44% và 35% so với cùng kỳ về lượng hàng tồn kho do sức tiêu thụ yếu”, báo cáo nêu.

Dự báo giá nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester năm 2023 sẽ giảm 1%- 3% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu giảm kèm theo đó là giá dầu và giá bông chững lại. Dù vậy, trong bối cảnh thách thức của nền kinh tế, VNDirect cho rằng các công ty dệt may nên chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng có giá trị thấp hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Do đó, biên lợi nhuận của các công ty dệt may sẽ giảm 0,8 -1,0 điểm % so với cùng kỳ vào năm 2023.

VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa nền kinh tế trở lại vào năm 2023. Theo đó, ngành sợi sẽ có xu hướng phục hồi trước do Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Các nhà sản xuất sợi có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như CTCP Dệt Sợi Damsan (ADS) sẽ được hưởng lợi từ diễn biến trên.

Đồng thời kỳ vọng triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ sáng sủa hơn từ quý III/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ EVFTA và trong bối cảnh Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm xuống 4,3% vào năm 2023.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Nhiều thách thức trước mắt

Theo báo cáo của VNDirect, tổng doanh thu trong quý III/2022 của các công ty gỗ và sản phẩm gỗ đã niêm yết giảm 10,2% so với quý trước. Biên lợi nhuận gộp giảm 0,3 điểm % do các công ty gỗ & sản phẩm gỗ giảm giá bán trong quý III/2022 do nhu cầu suy yếu tại thị trường Mỹ. Báo cáo của VNDirect cho biết, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng của nhóm doanh nghiệp gỗ xuất khẩu đã giảm tốc trong quý III/2022.

Nhìn chung, lợi nhuận ròng của mảng gỗ trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 31,5% so với cùng kỳ, vượt xa tốc độ tăng trưởng doanh thu (+12,5%) nhờ thu nhập bất thường từ lợi nhuận liên doanh liên kết của VIF (Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP).

Ảnh: Báo cáo của VNDirect

Ảnh: Báo cáo của VNDirect

Chuyên gia VNDirect cho rằng doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ giảm tốc vào năm 2023. Tác động chủ yếu do nhu cầu mua nhà và nội thất tại Mỹ giảm. Lãi suất vay mua nhà tại Mỹ hiện ở mức 6,1% - trở lại mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình tăng 10,6% trong quý III/2022 do nguồn cung thiếu hụt.

Giá ván ép trong quý III/2022 đạt 3,9 USD/tấm (-20,2%) do nhu cầu trên thị trường thế giới yếu. Trước tình hình thị trường bất động sản không ổn định, VNDirect dự báo giá ván ép sẽ giảm 5% trong năm 2023. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải giảm giá bán trung bình để thu hút nhiều khách hàng hơn. Từ đó đưa ra dự báo biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,5 - 0,8 điểm % vào năm 2023.

Hóa chất cơ bản: Triển vọng tươi sáng hơn trong quý IV/2022 – 6 tháng/2023

Giá một số hóa chất cơ bản như phốt pho, phân DAP, xút đã hạ nhiệt trong quý III/2022 sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022 với lần lượt -30%, -21% và -20% khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hóa chất cơ bản trong quý III giảm so với quý trước đó.

Trong đó, DGC (Hóa chất Đức Giang) – doanh nghiệp sản xuất phốt pho và các sản phẩm từ phốt pho lớn nhất Việt Nam - đạt 3.696 tỷ đồng doanh thu thuần (-8% so với quý trước). Trong quý III, biên lợi nhuận gộp của DGC giảm 8,6 điểm % so với quý trước do giá bán trung bình thấp hơn và DGC tiến hành bảo trì các thiết bị sản xuất phốt pho. Do đó, lợi nhuận ròng của DGC trong quý III giảm 21% khi so với quý trước, xuống 1.414 tỷ đồng.

Trong khi đó, CSV (Hóa chất Cơ bản miền Nam) - một trong những doanh nghiệp sản xuất xút lớn nhất Việt Nam - ghi nhận mức doanh thu thuần 574 tỷ đồng trong quý III/2022 (+2% so với quý trước) lại chỉ đạt mức biên lợi nhuận gộp 31,8% (-2,3 điểm % so với quý trước) do giá bán trung bình thấp hơn. Do đó, lợi nhuận ròng của CSV đạt 101 tỷ đồng (-11,2% so với quý trước).

Ảnh: Báo cáo của VNDirect

Ảnh: Báo cáo của VNDirect

Kể từ ngày 22/9, việc sản xuất phốt pho vàng ở Trung Quốc bị kiểm soát do các vấn đề về tiêu thụ năng lượng. Vân Nam - một trong 4 tỉnh sản xuất phốt pho vàng lớn nhất Trung Quốc - đã thực hiện “Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng từ ngày tháng 10/2022 đến tháng 5/2023 cho các ngành tiêu thụ năng lượng”. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phốt pho vàng ở tỉnh Vân Nam sẽ giảm và ngừng sản xuất hoàn toàn.

Chuyên gia VNDirect kỳ vọng giá phốt pho sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2022 và duy trì mức giá cao (5.200-5.500 USD/tấn) cho đến nửa đầu năm 2023 do Vân Nam sẽ cắt giảm sản xuất phốt pho cho đến hết tháng 5/2023 và Trung Quốc đẩy mạnh phát triển pin ắc quy Lithium Iron Phosphate. Các doanh nghiệp sản xuất phốt pho lớn như DGC sẽ tận dụng được lợi thế từ sự phục hồi của giá phốt pho.

Giá xút trong nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc do 40% nhu cầu xút tại Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá xút tại Trung Quốc tăng trở lại vào tháng 9/2022 do thiếu hụt năng lượng và nhu cầu nhôm đang cao ở Trung Quốc. VNDirect kỳ vọng giá xút sẽ duy trì ở mức cao cho đến quý II/2023 do Trung Quốc tiếp tục thực hiện Zero-covid và hạn chế sản xuất nhôm trong năm 2023. Dự báo giá xút sẽ đạt khoảng 800-900 USD/tấn trong quý 4/2022 - nửa đầu năm 2023 trước khi giảm dần trong nửa sau năm 2023.

Đọc tiếp