Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Tôn Đông Á đạt 3.939,5 tỷ đồng, giảm 38% so với quý 1/2022, lợi nhuận gộp của công ty từ đó cũng "bốc hơi" gần 46% xuống còn 293,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của hãng này đạt 74,7 tỷ đồng, giảm hơn 19,6% so với thực hiện của quý 1/2022 trong khi chi phí tài chính lại tăng 37,8% lên 101 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Tôn Đông Á báo lãi quý 1/2023 ở mức 81,62 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh,Tôn Đông Á cho biết nhu cầu tiêu thụ sản lượng thép trên thị trường nội địa và xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, cùng với chi phí tài chính tăng do lãi suất vay ngân hàng tăng cao dẫn đến lợi nhuận suy giảm.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Tôn Đông Á tăng 9,4% so với số đầu năm lên 11.275,7 tỷ đồng. Trong đó, 8.478,1 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, bao gồm các khoản phải thu ngắn hạn 2.125 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn 1.939 tỷ đồng; hàng tồn kho 3.835,3 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền 350 tỷ đồng...
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Tôn Đông Á là 7.745,8 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với thời điểm cuối năm ngoái, chủ yếu tới từ 5.984,2 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.411,5 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ngày 3/4/2023, Tôn Đông Á bất ngờ xin rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu trên HoSE với lý do nền kinh tế năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, chịu áp lực lớn từ biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, dẫn đến kết quả kinh doanh toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan.
CTCP Tôn Đông Á được thành lập từ năm 1998 bởi doanh nhân Nguyễn Thanh Trung với sản phẩm chính là các dòng tôn mạ dùng trong xây dựng, công nghiệp và thiết bị gia dụng. Hiện tại, công ty quản lý và vận hành 2 nhà máy sản xuất tôn mạ ở khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 với công suất 850.000 tấn/năm.