Xây dựng Huế thành trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, du lịch của đất nước

Thừa thiên huế ĐẦU TƯ
23:07 - 25/03/2023
Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn có điểm nhấn, phát triển du lịch thông minh, mang tầm thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Chiều ngày 25/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thừa Thiên Huế chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

Tại cuộc làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Thừa Thiên Huế. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Quy mô kinh tế còn nhỏ (xếp thứ 43/63); GRDP bình quân đầu người năm 2022 là 2.405 USD, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 4.110 USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu còn gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp năm 2022 không tăng trưởng, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ phát triển chưa tương xứng. Một số ngành công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,7%. Du lịch phục hồi chưa được như mong muốn.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động ít (mới có khoảng 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động). Phương thức đối tác công tư (PPP) chưa được vận dụng hiệu quả. Chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư.

Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn lực phát triển từ di sản cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa; một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều lĩnh vực còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành. Chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút, đãi ngộ nhân tài. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nhất là trước thiên tai, lũ lụt, hạn hán…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Ảnh: VGP

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử

Thủ tướng cũng phân tích về các tiềm năng, cơ hội, lợi thế của tỉnh. Thừa Thiên Huế nằm ở trung độ của đất nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước; là cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

"Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về hệ thống hạ tầng, giao thông, tỉnh có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An, sân bay Phú Bài; tuyến đường sắt chạy dọc tỉnh; hơn 2.500 km đường bộ, Quốc lộ 1 chạy từ Bắc xuống Nam, quốc lộ 49B chạy từ Tây sang Đông, đường Hồ Chí Minh (105 km).

Tỉnh đang phát triển hai khu kinh tế với tổng diện tích gần 37.300 ha (Chân Mây - Lăng Cô; cửa khẩu A Đớt); 6 khu công nghiệp với diện tích gần 2.400 ha.

Tỉnh có ưu thế phát triển thuỷ sản ở cả vùng biển, đầm phá và nước ngọt, với bờ biển dài hơn 120 km, phá Tam Giang dài 70 km, diện tích 22.000 ha là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Tỉnh có hơn 325.000 ha đất lâm nghiệp.

Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú với khoảng 25 loại khoáng sản; 7 nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh.

Thừa Thiên Huế là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình với văn hóa dân gian. Có nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương. Điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều động, thực vật quý hiếm.

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử của Việt Nam và thế giới, với khoảng 1.000 di tích, địa điểm lịch sử, cách mạng, tôn giáo, đặc biệt là 5 di sản được UNESCO công nhận.

Thừa Thiên Huế cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh

Cơ bản đồng ý các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng; khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chuyển đổi số. Hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh: VGP

Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tăng tỉ trọng của lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, du lịch. Cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao, tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu nông sản; gắn kết phát triển du lịch, nhất là ở khu vực đầm phá Tam Giang.

Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, có điểm nhấn, phát triển du lịch thông minh; gắn kết với tuyến du lịch "Con đường di sản miền Trung" và "Hành lang kinh tế Đông - Tây"; thu hút các tập đoàn lớn...

Thủ tướng gợi mở một số hướng đi cụ thể như tổ chức các chương trình Festival Huế suốt 4 mùa; thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa; phát động phong trào "Chủ Nhật xanh" để mọi người dân tham gia vệ sinh môi trường…

Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư. Tiếp tục thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; xây dựng văn hóa học đường.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi số. Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh. Thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, làm giàu chính đáng; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản; "biến di sản thành tài sản", "biến tiềm lực thành nguồn lực" để phục vụ phát triển.

Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế. Tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên rừng.

Tin liên quan

Đọc tiếp