Hội thảo Ứng dụng AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp, sáng 23/3. |
Ra mắt thư viện số ngành nông nghiệp ngày 21/4
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, xu hướng số đang chuyển dịch cả nền kinh tế. Trong đó, người tiêu dùng thông minh quan tâm nhiều đến sức khỏe, sự minh bạch và giá trị xã hội.
Đề cao mức độ tiện lợi, chính xác, giảm chi phí cung và cầu, ông Toản nhận định, vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số.
“Theo thống kê, tỷ lệ người dân nông thôn dùng Internet ngày càng nhiều. Có đến 77% người dân nông thôn sử dụng Internet, trong đó 91% lên mạng hàng ngày. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, áp dụng kinh tế số có thể đưa giá trị kinh tế nông nghiệp tăng gấp nhiều lần”, ông Toản nói.
Đưa ra ví dụ ở các nước trên thế giới, ông Nguyễn Quốc Toản liệt kê, doanh thu kinh tế số nông nghiệp của Trung Quốc đã đạt 102 tỷ USD năm 2020 và dự báo sẽ tăng lên 189 tỷ USD vào năm 2025. Thái Lan, Ấn Độ đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng đất, và chương trình số hóa dữ liệu đất đai, từ đó hình thành bản đồ số nông nghiệp.
Theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, điểm nghẽn của chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam hiện nay là vấn đề quản lý, điều hành, ứng dụng số của ngành chưa toàn diện. Hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán, chưa xây dựng được kiến trúc, dữ liệu ngành.
Do đó, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, trong năm 2023 và thời gian tới sẽ xây dựng trợ lý ảo cho mỗi người nông dân để cập nhật kịp thời chỉ số giá, thời tiết, mùa vụ, diễn biến thị trường, thông qua ứng dụng AI vào sản xuất bằng các app.
"Rộng hơn là xây dựng Mạng nhà nông phục vụ phát triển bền vững liên kết hợp tác xã – hộ nông dân – hiệp hội các ngành hàng nông nghiệp, nông thôn. Mạng nhà nông sẽ hỗ trợ người nông dân lập kế hoạch sản xuất mùa vụ, quản lý thu/chi, báo cáo lãi/lỗ, báo cáo chất lượng sản phẩm”.
Đặc biệt, để cung cấp thông tin công bố định kỳ cho các hộ nông dân, hợp tác xã, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, ngày 21/4, Bộ NN&PTNT sẽ chính thức ra mắt thư viện số ngành nông nghiệp.
Ứng dụng AI vào nông nghiệp Việt Nam
Trước những điểm nghẽn mà ông Nguyễn Quốc Toản nêu ra, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam khẳng định, tầm quan trọng của AI trong phát triển nông nghiệp hiện đại là không thể phủ nhận. Sử dụng AI có thể giúp nông dân tăng cường năng suất, giảm chi phí sản xuất, dự đoán và phòng tránh các rủi ro, từ khí hậu đến dịch bệnh.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng phân bón và thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh những lợi ích nhìn thấy rõ, TS Trần Quý chỉ ra thách thức phải đối mặt, đó là giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao, nhất là trong những năm gần đây khi các công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ.
“Tuy nhiên, cần phải xem xét giá trị lâu dài của các hệ thống này trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Một số công ty đã đầu tư vào các hệ thống AI và thấy được lợi ích lớn trong việc tăng năng suất và giảm chi phí”, ông Quý nói.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, dù giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang cao, nhưng nếu được sử dụng đúng cách và tính toán kỹ lưỡng, AI sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí một cách đáng kể. “Đây là cơ sở để người nông dân quản lý tốt hơn các hoạt động sản xuất, tăng cường độ chính xác và tốc độ trong quá trình sản xuất nông nghiệp”, TS Trần Quý nhấn mạnh.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. |
Cùng chung nhận định với TS Trần Quý về vai trò của AI, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhìn nhận, ứng dụng AI vào nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất, vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.
“Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, thay đổi tư duy, ngành nông nghiệp cần kịp thời có kế hoạch cụ thể thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt”, ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Mô hình trình diễn của CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. |
Doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ tăng năng suất nông nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo về các giải pháp công nghệ trong nông nghiệp của CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Văn Trinh, đại diện Trung tâm R&D của doanh nghiệp này cho biết, trước thực trạng mô hình nhà kính nhà màng được đầu tư nhiều đang bỏ không rất lãng phí, hoặc không sử dụng được hết chức năng, Rạng Đông đã đưa ra giải pháp mang tên Smartfarm.
Ngoài nhiệt độ, độ ẩm, tưới tiêu, dinh dưỡng thì ánh sáng rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Trinh cho biết, người nông dân thường vướng mắc về chi phí khi sử dụng các công nghệ. Đây là bài toán lớn mà Rạng Đông tìm cách giải quyết bằng việc liên kết với các nhà cung cấp cảm biến khác để giảm chi phí.
CTCP iCheck cũng có tham gia vào ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đại diện CTCP iCheck, hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện vùng trồng, nhà xưởng, vùng sản xuất và thông tin truy xuất theo các chuỗi cung ứng, tới thành phẩm cuối cùng.