Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
VASEP dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 15/3/2024, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt hơn 109 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam với gần 46 triệu USD tính tới ngày 15/3/2024, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàn Quốc chiếm 42% tỷ trọng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Theo VASEP, vụ xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản làm giảm nhu cầu nhập khẩu hải sản của Hàn Quốc từ Nhật Bản. Hàn Quốc không ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản nhưng tăng cường kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu từ nước này.
Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong thời gian tới khi lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vào Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật Bản vẫn chưa thể thoát đà tăng trưởng âm khi tính tới 15/3/2024, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 25 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ.
Trung Quốc và Hong Kong là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ ba của Việt Nam. Tính tới 15/3/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 11 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như mực khô, mực ống và mực nang khô, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...
Trước đó, năm 2023, giá trung bình xuất khẩu bạch tuộc đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc dao động từ 2,3-5,3 USD/kg, giá trung bình xuất khẩu mực đông lạnh dao động từ 1,9-3,6 USD/kg.
Theo VASEP, 3 doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất sang Trung Quốc năm 2023 lần lượt là công ty TNHH Đầu tư Phát triển An Khang Thịnh, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Dịch vụ Thủy sản Gia Bảo và công ty TNHH Phát triển Thực phẩm Bardo.