Xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm: Gỗ, thủy sản, cao su giảm mạnh nhất

Nông Sản XUẤT KHẨU
13:37 - 12/05/2023
0:00 / 0:00
0:00
Là các ngành chịu tác động mạnh từ biến động thị trường và kinh tế thế giới, các mặt hàng gỗ, thủy sản và cao su có giá trị xuất khẩu giảm lần lượt 30,4%, 27,7% và 20,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4/2023 ước tính giảm 8,1% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước tính giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, xuất khẩu gỗ, thủy sản và cao su là những mặt hàng giảm mạnh nhất do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU…

Cụ thể, gỗ và các sản phẩm từ gỗ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản, giảm 30,4% ở mức 3,91 tỷ USD. Xuất khẩu mặt hàng này ghi nhận tỷ trọng lớn ở các thị trường Hoa Kỳ chiếm 49%, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng nhiều hơn cả với 65%, còn lại là gỗ chế biến (dăm gỗ, gỗ xẻ, ván sợi…) chiếm 35%.

Yếu tố khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm mạnh do lạm phát ở Hoa Kỳ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, có thể kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn.

Cùng với đó, Liên minh Châu Âu (EC) vừa đưa ra Dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Theo đó, ngành gỗ sẽ bị tác động lớn bởi quy định này. Dự luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế được dự báo có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023. Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Hai quốc gia đang có thị phần tại Hoa Kỳ ngang nhau, ở mức 31%. Điều này khiến cho các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2023.

Giữ vị trí giảm mạnh thứ hai là thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản4 tháng đầu năm đạt 2,63 tỷ USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính, gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Tôm và cá da trơn là hai sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu.

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm sút xuất phát từ giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Cụ thể như, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20 - 30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador, làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam

Mặc dù Trung Quốc mở cửa lại sau chính sách zero Covid nhưng đây vẫn là thị trường cạnh tranh cao vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước khác cũng tập trung xuất khẩu vào thị trường này sau mở cửa.

Ngoài ra, lạm phát và suy thoái kinh tế trên thị trường thế giới dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút.

Kim ngạch xuất khẩu giảm sâu đứng vị trí thứ ba là cao su. Tuy xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm đạt 492 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị xuất khẩu đạt 685 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ 2022. Cao su hỗn hợp chiếm cơ cấu cao nhất 79% trong các sản phẩm cao su xuất khẩu.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam chiếm tỷ trọng 75%, tiếp đến là Ấn Độ chiếm 5%, Hàn Quốc 2%, Nga 2%, Đài Loan 1%.

Các yếu tố khiến kim ngạch giá trị xuất khẩu cao su giảm có thể kể đến là, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á có xu hướng giảm so với cuối tháng trước do lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu.

Khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ và châu Âu làm dấy lên lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và suy yếu nhu cầu tiêu thụ cao su trong ngành sản xuất và tiêu dùng. Ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát cao, cầu tiêu dùng suy yếu dẫn đến việc xuất khẩu cao su sẽ khó khăn hơn.

Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, khi tỷ trọng xuất khẩu sang 425.000 tấn, thu mua là 80.115 tấn, tiêu thụ 507.985 tấn mủ cao su.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Quách Sơn.

9 nhóm hàng đẩy CPI tháng 2/2024 tăng 1,04%

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rơi vào tháng 2/2024 đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cùng với đó, giá gạo, giá xăng dầu, giá gas tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng 1,04% so với tháng trước.