Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 ước đạt 4,36 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm trước, nên tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 33,21 tỷ USD, giảm 9,5%.
Trong đó, nhóm thuỷ sản 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 8,95 tỷ USD, giảm 25,1%; đầu vào sản xuất 1,32 tỷ USD, giảm 21,9%.
Ngược lại, một số nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng 11,5% đạt 16,9 tỷ USD. Phần lớn tỷ lệ trọng tăng được đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,45 tỷ USD, tăng 57,5%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%; sản phẩm chăn nuôi 325 triệu USD, tăng 26,1%.
Trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 16 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; châu Phi 681 triệu USD, tăng 11,5%. Các châu lục ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng giảm là châu Mỹ 7,5 tỷ USD, giảm 27,4%; châu Âu 3,7 tỷ USD, giảm 13,8%; châu Đại Dương 480 triệu USD, giảm 23,5%.
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%, Mỹ chiếm 20,6%, giảm 27,4% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập nông lâm thủy sản 8 tháng qua đạt 26,48 tỷ USD, giảm 12,9%. Trong đó, nhóm nông sản 16,25 tỷ USD, giảm 11,7%; sản phẩm chăn nuôi 2,3 tỷ USD, giảm 8,9%; thuỷ sản 1,71 tỷ USD, giảm 7,3%; lâm sản 1,48 tỷ USD, giảm 32,6%; muối 30 triệu USD, tăng 26,3%.
Sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ổn định, lâm nghiệp gặp bất lợi
Thông tin về tình hình sản xuất 8 tháng năm 2023, Bộ NN&PTNT cho biết, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa, thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông.
Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích gieo trồng cây ngô giảm do giá phân bón và ngô giống tăng cao. Diện tích khoai lang, đậu tương, lạc giảm do người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái và rau đậu cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng phát triển ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.
Ngược lại, sản xuất lâm nghiệp gặp bất lợi do thời tiết chuyển hướng nhanh từ nắng nóng sang mưa lũ, sạt lở đất ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng mới ở nhiều địa phương. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 8/2023 ước đạt 22,1 nghìn ha, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng gỗ khai thác đạt 1.838,8 nghìn m3, tăng 2,1% do một số địa phương có sản lượng khai thác gỗ tăng cao như Nghệ An tăng 7,4%, Quảng Nam tăng 7,8%, Hòa Bình tăng 5%, Bắc Giang tăng 3,5%.
Trong 8 tháng qua, sản lượng thủy sản ước đạt 5.931 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, Trong đó, sản lượng cá đạt 4.254,3 nghìn tấn, tăng 1,7%; tôm đạt 812,2 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 864,5 nghìn tấn, tăng 1,5%.
Tính riêng tháng 8, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá do đang là thời điểm thu hoạch một số sản phẩm thủy sản nước lợ, ước đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5% do bắt đầu vào mùa mưa bão, tàu thuyền hạn chế ra khơi đánh bắt.