Ảnh minh họa: VGP |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,38 tỷ USD. Trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 302 triệu USD, tôm sú đạt 86 triệu USD. Từ tháng 6/2023, xuất khẩu tôm thẻ và tôm sú sang thị trường Nhật có xu hướng tăng dần lên, tuy nhiên do giảm mạnh đầu năm nên tổng xuất khẩu tôm sú sang Nhật giảm sâu 37%, tôm thẻ chân trắng giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu mực sang Nhật Bản đạt trên 72 triệu USD, bạch tuộc đạt gần 70 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cá hồi vào Nhật đạt 227 triệu USD, cua đạt 87 triệu USD, cá nục đạt 77 triệu USD.
Ước tính cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản sẽ thu về trên 1,5 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022.
Ảnh: VASEP |
Theo VASEP, sau hơn hai thập kỷ giá cả ổn định hoặc giảm, nền kinh tế Nhật Bản đã trải qua đợt tăng giá liên tục trong hơn một năm rưỡi qua do các yếu tố địa chính trị toàn cầu cũng như sự suy yếu đáng kể của đồng yên Nhật so với đồng USD. Kể từ tháng 3/2023, giá thực phẩm đã tăng với tốc độ hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái với một số sản phẩm tăng ở mức hai con số.
Thời gian quan, Nhật Bản cũng chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu đối với mặt hàng thủy sản. Tiêu thụ hải sản hộ gia đình đứng ở mức khoảng 14 kg bình quân đầu người vào năm 1995, đến năm 2021 con số này chỉ còn dưới 8kg (tương ứng đã giảm hơn 40% so với năm 1995).
Chính phủ Nhật Bản ước tính tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người đã giảm 14% vào năm 2022. Tiêu thụ giảm một phần do giá tăng cũng như sở thích của người tiêu dùng chuyển sang các loại thịt khác như thịt bò, lợn và gà khi các loại thực phẩm này đã trở nên dễ tiếp cận hơn.
VASEP cho biết, các dự báo về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2024 dù không có sự đồng nhất nhưng nhìn chung thị trường này sẽ không có sự đột phá về mặt nhu cầu. Tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc…thì thương mại thủy sản với Nhật Bản được đánh giá ổn định hơn.
Điểm quan trọng là các doanh nghiệp Việt sẽ phải tính toán kỹ hơn bài toán về giá thành và giá bán cạnh tranh, đồng thời nắm bắt xu hướng tiêu thụ tại Nhật Bản, theo VASEP.