Xuất nhập khẩu có thể vượt mốc lịch sử 700 tỷ USD trong năm 2022

XNK Việt nAM
16:54 - 23/08/2022
Xuất nhập khẩu có thể vượt mốc lịch sử 700 tỷ USD trong năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu năm 2022 có thể đạt 735 tỷ USD. Nếu đạt được, đây sẽ là năm đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD.

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023, Bộ Công Thương nhận định các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và nối lại chuỗi cung ứng.

Tính chung 6 tháng đầu năm xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 19,5%, cao hơn mức tăng trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô). Việt Nam xuất khẩu 29 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tới hơn 91% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD.

Nhận định về tình hình thế giới những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như lạm phát, có thể làm ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, tác động lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước, bao gồm Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ vẫn khẳng định kết quả xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 tích cực là cơ sở để ngành công thương phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2022. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có 15 FTA thương mại với các thị trường, khu vực.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD và nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%). Đồng thời, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương tại Quyết định 60/BCT-KH ngày 18/1/2022 (8,1%).

Về cán cân thương mại, dự kiến năm 2022 xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Về mục tiêu năm 2023, ngành công thương đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu.

Về giải pháp cho các khó khăn thời gian qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid – 19, sự thay đổi trong chính sách thương mại của các nước, các đối tác lớn và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó kịp thời với các yếu tố bất lợi.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi. Mặt khác, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trên môi trường trực tuyến và các nền tảng mới.

Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới. Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để giảm phụ thuộc vào các khu vực FDI.

Đọc tiếp