Xuất siêu cao chưa hẳn là tốt, cần cân nhắc yếu tố nhập khẩu giảm quá nhiều

Thương Mại XUẤT KHẨU
17:20 - 18/05/2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
0:00 / 0:00
0:00
Tại Họp báo Bộ Công Thương chiều 18/5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình thương mại 4 tháng đầu năm chứng kiến mức giảm lớn từ cả nhập khẩu và xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn duy trì mức xuất siêu cao 7,55 tỷ USD, nhưng đây lại là yếu tố cần cân nhắc.

Xuất siêu chưa hẳn là tích cực, nhập siêu chưa hẳn là xấu

Thứ trưởng cho biết thời gian qua, suy giảm nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chính do khó khăn chung của kinh tế thế giới đã khiến cả xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7%. Cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch lần lượt tăng 17,18% về xuất khẩu và 16,27% về nhập khẩu.

Dù sụt giảm cả về xuất khẩu và nhập khẩu nhưng 4 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu 7,55 tỷ USD. Đây là yếu tố giúp cân bằng cán cân thanh toán, làm bệ đỡ về tài chính cho nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây cũng không hẳn là yếu tố tích cực.

Bởi khi xuất khẩu tăng mà xuất siêu tăng thì là tín hiệu tốt, còn khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mà xuất siêu tăng thì cần phải cân nhắc, Thứ trưởng cho biết.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang đánh giá về tình huống này, vì không hẳn cứ nhập siêu là xấu còn xuất siêu là tốt. Xuất siêu tăng trong trường hợp này đã đặt ra câu hỏi rằng liệu Việt Nam hiện nay có đang giảm nhập khẩu quá nhiều.

Hiện các ngành sản xuất trong nước đang sử dụng một lượng lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường nước ngoài. Do đó, việc giảm nhập khẩu đang phản ánh sự suy giảm của sản xuất trong nước.

Nếu xét theo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP), 4 tháng đầu năm, chỉ số này ghi nhận mức giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tuy chỉ giảm ở 11 địa phương, nhưng chỉ số IIP lại giảm ở một số địa phương là đầu tàu của nền kinh tế như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… Điều này cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Tập trung khai thác các thị trường mới, các nước ASEAN

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu một số nguyên nhân dẫn tới việc suy giảm xuất nhập khẩu như việc các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc… suy giảm nhu cầu do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế và việc người dân thắt chặt chi tiêu, nhất là đối với các mặt hàng không thiết yếu như hàng may mặc, giày dép, vốn là mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu một số mặt hàng như điều, cafe, dầu thô, khoáng sản giảm đã góp phần làm giảm mức tăng chung của kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đồng thời, việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại đã làm tăng sự cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bởi đây cũng là thị trường có khả năng cung ứng hàng hóa lớn với các mặt hàng tương tự như hàng hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ công Thương đánh giá, việc giảm nhập khẩu có thể đến từ việc giá hàng hóa nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất vẫn đang ở mức cao.

Để tăng cường xuất nhập khẩu trong thời gian tới, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng.

Các thị trường tiềm năng được Thứ trưởng nhắc tới như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như các nước ASEAN.

Đồng thời, Bộ cũng tập trung vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia); thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei). Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp