Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Sáng 21/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nêu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng bày tỏ, hội nghị ngày hôm nay không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp được đóng góp ý kiến, tiếng nói với Thủ tướng, Chính phủ mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên, động lực to lớn trong hành động truyền lửa để các doanh nghiệp có thêm năng lượng, thêm động lực tiếp tục phấn đấu giai đoạn tới.
Là một trong những cánh chim đầu đàn của khối doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất ở ba nhóm vấn đề gồm đào tạo nhân lực, nhà ở xã hội và công nghiệp phụ trợ.
Thứ nhất, trong giáo dục đào tạo, ông Vượng đề nghị nếu được, Chính phủ cho phép có thể bỏ hẳn hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo các sinh viên các khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn để tạo ra lực lượng lao động lớn cho ngành này.
Song song với đó, cần đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh cho toàn dân, vùng sâu, vùng xa, tạo thêm những "cần câu cơm" tốt hơn cho các em ở khu vực này. Nếu được cho phép, Vingroup sẵn sàng tham gia tài trợ cho các giáo viên lên vùng sâu vùng xa, các vùng tăng cường để góp phần phát triển các vùng đó trong tương lai.
Thứ hai, về vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, đại diện Vingroup đề xuất Chính phủ có thể cho cơ chế chỉ định nhà đầu tư, giúp rút ngắn thủ tục.
"Nhà ở xã hội mang tính đóng góp chứ không phải để kinh doanh nên nếu được Chính phủ cho cơ chế chỉ định, loại hình này sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nhiều," ông Vượng nói.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, ông Vượng kiến nghị cho phép làm đồng thời các loại quy hoạch: Quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, nghiệm thu đề án, từ đó có thể rút ngắn được từ 6-9 tháng giai đoạn chuẩn bị. Từ thực tế làm nhà ở xã hội của mình, đại diện Vingroup cho biết doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực để thực hiện mục tiêu 500.000 căn nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa làm được nhiều vì thủ tục còn chậm.
Về chất lượng nhà ở xã hội, ông Vượng đề xuất tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, phải có hầm để xe; khu vui chơi cho trẻ em; tiện ích cho người già. Chủ tịch Vingroup đề xuất thêm đổi tên nhà ở xã hội thành nhà ở Chính phủ, tức là được Chính phủ hỗ trợ; đặc biệt trong nhóm nhà ở này sẽ có nhóm nhà ở dành riêng cho các cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang, công an quân đội.
Vấn đề cuối cùng mà Vingroup đề cập là đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi công nghiệp phụ trợ.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng phân tích, hiện Việt Nam đã có những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Trường Hải, VinFast. Trong đó với VinFast, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 50%, phấn đấu hết năm 2026 đạt tối thiểu 80%. Như vậy, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia làm linh kiện phụ trợ.
Ông Vượng cho biết thêm với sản lượng sản xuất của VinFast hiện nay (8.000 xe) và 200.000 xe vào năm 2025, chắc chắn các doanh nghiệp hỗ trợ tham gia sẽ kinh doanh có lãi; đặc biệt Vingroup khẳng định sẵn sàng bao tiêu một phần linh kiện và đây là cơ hội thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ phát triển.