3 sắc thuế sẽ được cân nhắc điều chỉnh, trình Quốc hội ở kỳ họp tới

Xăng Dầu Việt nAM
07:09 - 19/09/2022
3 sắc thuế sẽ được cân nhắc điều chỉnh, trình Quốc hội ở kỳ họp tới
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin, Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách thuế, gồm: thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

PGS.TS Nguyễn Trung Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường chiếm tỉ trọng khá lớn khi nằm trong gói hỗ trợ 34.970 tỷ đồng, chiếm 63% trên tổng số 55.500 tỷ đồng.

Thực chất giảm thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích giảm giá xăng dầu, nhằm bình ổn giá cả, hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích cầu nội địa. Tuy nhiên, sau khi giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu cả nước vẫn neo cao, thậm chí lập đỉnh 33.000 đồng.

"Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên nên cân nhắc đến việc giảm thuế có điều kiện. Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng cam kết phải thực hiện thêm hoạt động xã hội", PGS.TS Nguyễn Trung Lê đề xuất tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, cũng chia sẻ trong khuôn khổ diễn đàn nêu trên, Đại diện Tập đoàn Masan cho rằng, giá xăng dầu những ngày gần đây cơ bản giảm xuống, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã có lãi. Tuy nhiên, giá xăng dầu trên thế giới vẫn có nhiều biến động, kéo theo giá các mặt hàng đầu vào tăng cao, khiến doanh nghiệp còn lo âu phấp phỏng.

"Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương có chính sách điều hành tốt, ổn định giá xăng dầu để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, nhất là trong giai đoạn nước rút cuối năm này", đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị.

Phản hồi các kiến nghị trên, ngay tại phiên họp toàn thể, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nền kinh tế đã và đang đối mặt rất nhiều khó khăn, trong đó có đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào vẫn rất cao...

Dưới góc độ của chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã điều hành rất linh hoạt chính sách tài khóa.

"Chỉ riêng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế năm 2020 đã có tác động rất lớn với quy mô 129.000 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã giảm, miễn giảm với quy mô lên đến 35.000 tỷ đồng… Riêng đối với các chính sách thuế, phí, mặt hàng chiến lược đối với xăng dầu rất được người dân, doanh nghiệp quan tâm; vừa qua được Quốc hội miễn thuế lên đến 13.000 tỷ đồng và thời hiệu thực hiện đến hết 31/12. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống còn 10%, đồng thời mở rộng nguồn nhập khẩu để tăng nguồn cung", ông Chi nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Chi cho biết, Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách thuế, gồm: Thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

3 sắc thuế sẽ được cân nhắc điều chỉnh, trình Quốc hội ở kỳ họp tới ảnh 1

Chính sách giảm thuế này sẽ giúp chúng ta có ứng phó với những biến động giá xăng dầu trên thế giới, nhằm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế với phương án điều hành linh hoạt nhất theo phương thức 'dĩ bất biến, ứng vạn biến.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Giá nhiên liệu tác động mạnh tới lạm phát và tăng trưởng

Theo số liệu Tổng Cục thống kê, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam mới được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, mặc dù giá xăng dầu gần đây đã giảm nhưng "tác động vòng hai" của giá nhiên liệu tăng thời gian qua đang thẩm thấu vào nền kinh tế khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, ảnh hưởng đến tăng giá lương thực thực phẩm và giá hàng hóa cơ bản.

Lạm phát giá lương thực thực phẩm nhích nhẹ từ 3% trong tháng 7 (so cùng kỳ năm trước) lên 3,3% trong tháng 8 (so cùng kỳ năm trước) do giá thực phẩm và ăn uống bên ngoài gia tăng.

Lạm phát CPI cơ bản, nghĩa là không bao gồm giá lương thực thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý, tiếp tục tăng từ 2,6% trong tháng 7 lên 3,1% trong tháng 8 (so cùng kỳ năm trước).

Chia sẻ trong một tọa đàm về lạm phát gần đây, TS. Trần Toàn Thắng cho hay, ứng xử với lạm phát, thời gian qua đã làm rất tốt, nhưng Việt Nam có lẽ đã bỏ lỡ cơ hội để có thể có sức ép lạm phát thấp hơn nữa nếu chúng ta điều chỉnh giá xăng ở thời điểm phù hợp hơn, TS. Trần Toàn Thắng nhìn nhận

Lý giải rõ hơn, theo ông Thắng, tại thời điểm giá xăng lên đỉnh 33.000 đồng/lít, chúng ta không có cách nào điều chỉnh giá xuống thấp ngay lập tức. Trong khi, xăng dầu là mặt hàng quan trọng tác động mạnh đến mặt bằng giá cả chỉ trong thời gian rất ngắn, một khi giá hàng tiêu dùng cao rất khó để hạ xuống.

Do đó, ông Thăng cho rằng thay vì chống chịu lạm phát ở giai đoạn sau, nếu đã xác định giá xăng là mặt hàng quan trọng, biện pháp để điều chỉnh nó ngay ở giai đoạn đầu là cần thiết.

Vào kỳ điều chỉnh xăng ngày 12/9 vừa qua, giá xăng E5 RON 92 giảm 1.120 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 1.020 đồng/lít và dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít, giảm về mức thấp nhất tính từ đầu năm 2022 đến nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp