Bãi cọc Yên Giang thuộc khu di tích bãi cọc Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh |
UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang vừa thống nhất xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ sung Bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn đã lựa chọn 3 điểm là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng đưa vào bảng trình bày tên 32 di tích để nghiên cứu xây dựng hồ sơ.
Việc xây dựng Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) - Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương), gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử, là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước xây dựng đệ trình UNESCO với phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, trải dài hàng trăm km2. Đây được kỳ vọng sẽ là Di sản Thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang nghiên cứu lập hồ sơ Quần thể di tích Yên Tử trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Từ năm 2020 đến nay, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã triển khai các công việc liên quan như thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác xây dựng hồ sơ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế để xác định các tiêu chí, giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Yên Tử nói riêng trong Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" nói chung.
Đặc biệt, 3 địa phương đã mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNESCO sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn. Riêng tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 3/2023 đã liên tục chủ trì làm việc với Bộ Ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới để tham vấn, góp ý hồ sơ đạt chất lượng cao nhất.
Đến nay hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
UBND 3 tỉnh cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa bản thảo Hồ sơ đề cử, Kế hoạch quản lý di sản, các phụ lục theo Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới năm 1972 của UNESCO; tiếp tục dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Đồng thời, xin ý kiến của các chuyên gia trong nước, quốc tế về các nội dung Hồ sơ Yên Tử; tổ chức làm việc trực tiếp với các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế; tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng và chuẩn bị bảo vệ Hồ sơ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2023.
Từ đó, hoàn thiện bản thảo Hồ sơ Yên Tử đề cử, Kế hoạch quản lý di sản và các thành phần phụ lục trình UBND các tỉnh, sau đó báo cáo Ban Thường vụ 3 tỉnh và Ban Chỉ đạo, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2023.
Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc", có phạm vi nghiên cứu gồm Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương); Khu Di tích và danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang).
Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gồm bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa.
Trong đó, di tích bãi cọc Yên Giang diện tích khoảng 3.000m2 nằm ở cửa sông Chanh. Bãi cọc Yên Giang được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012.
Gần bãi cọc Yên Giang là bãi cọc đồng Vạn Muối diện tích khoảng 6.000m2 nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa. Theo các nhà nghiên cứu, đây là nửa phía nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía bắc là bãi cọc Yên Giang.
Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, bãi cọc đồng Má Ngựa diện tích khoảng 2.100m2, nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam. Bãi cọc này được được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt.